“Hành động của Trung Quốc trong việc gia tăng hiện diện quân sự trên các đảo nhân tạo là rất đáng lo ngại. Nó không phù hợp với luận điệu của chính quyền Trung Quốc về theo đuổi hòa bình, hữu nghị” - Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ngày 17-1.
Tháng trước Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi một lá thư ngoại giao cho đại sứ quán Trung Quốc sau khi xác nhận báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) về việc Bắc Kinh triển khai vũ khí trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Những bình luận của Bộ trưởng Lorenzana được cho là cứng rắn hơn so với Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay. Ông Yasay trước đó kiềm chế không chỉ trích Trung Quốc, thay vào đó chỉ tuyên bố rằng vấn đề tranh chấp ở biển Đông giữa hai nước cần được giải quyết cẩn trọng.
Ảnh chụp vệ tinh của CSIS hồi 17-11-2016 tại đá Subi ở Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: REUTERS
“Khi có vấn đề nào đó xảy ra mà có thể đe dọa quyền chủ quyền của Philippines, chúng tôi sẽ trao đổi thư để thảo luận về vấn đề đó và đảm bảo vấn đề đó được giải quyết ổn thỏa” - Ngoại trưởng Yasay nói với kênh truyền hình ANC.
Philippines khó xử trong việc phải cân bằng giữa tuyên bố chủ quyền với hàng tỉ USD tiềm năng thương mại và đầu tư của Trung Quốc. Manila đã quyết định hoãn nâng cấp các công trình trên những đảo ở biển Đông, như sửa chữa một đường băng đã hư hỏng, để tránh leo thang căng thẳng ở khu vực này.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích biển Đông bằng yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý. Tòa Trọng tài hồi tháng 7 năm ngoái ra phán quyết bác giá trị lịch sử của yêu sách chủ quyền này.
Hồi tháng 12-2016, báo cáo do CSIS công bố chỉ ra rằng Trung Quốc đã triển khai hệ thống vũ khí phòng không ở cả bảy đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở biển Đông.
Ngoại trưởng do tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cử, ông Rex Tillerson, tuần trước tuyên bố Bắc Kinh cần bị ngăn tiếp cận đảo nhân tạo ở biển Đông.