Nhiều người Myanmar đang bí mật tham gia các khóa huấn luyện quân sự ngắn hạn để chuẩn bị cho viễn cảnh bạo lực leo thang khi mà đất nước này vẫn chìm trong bất ổn sau cuộc chính biến do quân đội tiến hành ngày 1-2, đài CNN đưa tin.
Ngày 1-2, quân đội Myanmar bắt giam và bãi nhiệm các lãnh đạo dân sự và lập ra chính quyền mới do Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang, Thống tướng Min Aung Hlaing đứng đầu. Điều này đã gây ra sự bất mãn trong một bộ phận không nhỏ dân chúng Myanmar, kéo theo phong trào biểu tình và nhiều kiểu đấu tranh dân sự khác.
Nhiều người dân tìm tới các nhóm vũ trang nhờ huấn luyện
Nhiều người, bao gồm công nhân, kỹ sư, y bác sĩ, giáo viên, sinh viên..., đã trốn tới các khu rừng rậm cách xa thủ đô Naypyidaw để tham gia các khóa huấn luyện quân sự. Các vùng đất này nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm nổi dậy vũ trang vốn vẫn tồn tại trong hàng chục năm qua tại Myanmar.
Hoạt động huấn luyện của một nhóm nổi dậy vũ trang ở Myanmar. Ảnh: CNN
Thiếu tướng Nerdah Bo Mya, Tham mưu trưởng của Tổ chức Phòng vệ quốc gia Karen (KNDO - một cánh vũ trang của Liên minh Quốc gia Karen), đã tuyên bố sẽ bảo vệ người dân tộc thiểu số Karen và bảo vệ phần lãnh thổ do họ kiểm soát ở bang Karen (đông nam Myanmar).
Tướng Nerdah Bo Mya đã lập ra một chương trình huấn luyện quân sự cơ bản miễn phí để "giúp đỡ" người dân chống lại quân đội chính phủ Myanmar. Ông này cho rằng "đây là trách nhiệm bảo vệ sự sống" cho người dân.
Trước khi tìm tới các khu rừng này, hầu hết những người được KNDO huấn luyện chưa từng cầm súng. Nhiều người trong số họ "còn khá trẻ, khoảng 24, 25 tuổi", một số là y tá, bác sĩ hay nhân viên y tế khác - ông Nerdah Bo Mya kể.
Ngoài việc được dạy cách sử dụng vũ khí, nhất là súng, những người tìm tới KNDO còn được hướng dẫn nâng cao khả năng thể chất, cách khắc phục điểm yếu về ngoại hình và kỹ thuật sơ cứu.
Nhiều nhóm nổi dậy vũ trang khác cũng tổ chức các khóa huấn luyện tương tự. Một số nhóm còn công khai các đoạn phim về các khóa huấn luyện này.
Quân đội Myanmar chưa có bình luận về các khóa huấn luyện quân sự trên. Tuy nhiên, thông qua kênh truyền thông nhà nước, chính quyền Naypyidaw hôm 4-5 đã kêu gọi những ai đang tham gia huấn luyện quân sự ở nước ngoài hay tại khu vực của các nhóm nổi dậy kiểm soát đều nên trở về nhà.
Người dân và các nhóm vũ trang đều chống quân đội Myanmar
Cuộc đối đầu giữa quân đội chính phủ với các nhóm nổi dậy vũ trang vẫn kéo dài từ khi Myanmar giành được độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Hàng trăm ngàn người phải di tản vì loạn lạc, trong khi quân đội Myanmar nhiều lần bị cáo buộc thực hiện các vụ tra tấn, thảm sát hay các hành vi tàn nhẫn khác.
Hoạt động huấn luyện của một nhóm nổi dậy vũ trang ở Myanmar. Ảnh: CNN
Các nhóm vũ trang nhỏ lẻ đã chiến đấu với chính quyền trung ương Naypyidaw và với các nhóm khác để tranh giành khu vực quản lý và đòi hỏi quyền tự chủ cao hơn. Nhiều nhóm đã thống nhất với chính quyền dân sự Myanmar về lệnh ngừng bắn nhưng đã xé bỏ thỏa thuận này sau khi quân đội tiến hành chính biến.
Quân đội chính phủ đã nhiều lần không kích và pháo kích vào các căn cứ của lực lượng nổi dậy. Hôm 3-5, một trực thăng quân sự của quân đội Myanmar đã bị một nhóm nổi dậy bắn rơi khi đang không kích tại thị trấn Moemauk, bang Kachin ở cực bắc Myanmar. Trước đó, sau một trận giao tranh hồi tuần trước, quân đội Myanmar đã để một tiền đồn quân sự gần biên giới với Thái Lan rơi vào tay lực lượng nổi dậy.
Trong khi đó, tại các vùng đô thị, biểu tình phản đối chính biến vẫn tiếp diễn. Tình trạng người biểu tình bị lực lượng an ninh trấn áp bằng vũ lực đã xảy ra.
Theo một thống kê độc lập, 772 người Myanmar đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh dùng vũ lực với dân thường. Trong khi đó, chính quyền quân sự Myanmar chỉ thừa nhận trách nhiệm đối với một phần trong số thương vong trên. Những ngày gần đây, số người chết vì biểu tình ở Myanmar vẫn tăng nhưng không nghiêm trọng như trong hai tháng đầu sau chính biến.