Tính đến hết ngày 14-3 (giờ châu Âu) Ý có 1.441 người chết (tăng 175 người so với ngày trước đó) và 21.157 ca nhiễm (tăng 3.497 ca so với ngày trước) - vẫn cao nhất châu Âu, theo đài CNN.
Đường phố thủ đô Rome (Ý) ngày 14-3. Ảnh: AFP
Bộ Y tế Ý cho biết hiện có 1.581 người vẫn đang phải điều trị tích cực. Đã có 1.966 người được điều trị hồi phục xuất viện.
Tây Ban Nha đứng thứ hai châu Âu với 193 người chết và 6.250 ca nhiễm tính đến hết ngày 14-3, theo đài TVN. Số người chết tăng đáng ngại với 73 ca chỉ trong một ngày.
Dân Tây Ban Nha đeo khẩu trang trên đường phố Barcelona ngày 14-3. Ảnh: REUTERS
Tây Ban Nha tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc và ra lệnh phong tỏa gần như trên cả nước với 47 triệu dân trong 15 ngày.
Tại Pháp, số người chết đã là 91, gần 4.500 ca nhiễm. Số ca nhiễm tăng gần gấp đôi chỉ trong ba ngày. Ngày 15-3 Pháp bắt đầu đóng cửa cửa hàng, nhà hàng, các địa điểm giải trí, trừ cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc, trạm xăng. Toàn bộ 67 triệu dân được đề nghị ưu tiên ở nhà.
Tháp Eiffel đóng cửa mùa dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS
Chính phủ Pháp khẳng định không có chuyện thiếu hàng hóa, thực phẩm và khuyên người dân không nên tích trữ hàng.
Ngày 15-3, Anh khuyến cáo công dân không đến Mỹ nếu không cần thiết, một ngày sau khi Mỹ đưa Anh và Ireland vào danh sách cấm bay từ châu Âu đến Mỹ, theo Reuters.
Quang cảnh vắng vẻ tại sân bay Heathrow tại London (Anh). Ảnh: AP
Anh đã có 21 người chết, 1.140 ca nhiễm. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết sẽ cấm tụ tập đông người, cách ly người già trên 70 tuổi trong bốn tháng để tránh lây nhiễm.
Hàng hóa hết sạch trong siêu thị ở London (Anh) ngày 13-3. Ảnh: REUTERS
Các công ty thiết bị y tế được yêu cầu tăng sản xuất phục vụ cứu chữa bệnh nhân. Các bệnh viện tư được yêu cầu sẵn sàng chia sẻ gánh nặng cứu chữa bệnh nhân một khi hệ thống bệnh viện công quá tải.
Đức đã có tám người chết và hơn 3.400 người nhiễm. Chính quyền thủ đô Berlin ngày 14-3 lệnh đóng cửa mọi địa điểm công cộng: quán bar, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, nhà hát, và thậm chí cả nhà thổ, cấm tụ tập từ 50 người trở lên. Berlin đang có 216 người nhiễm.
Trước Berlin, chính quyền TP Cologne ở Tây Đức cũng đã ra lệnh cấm tương tự.
Một khu phố ở Berlin (Đức). Ảnh: REUTERS
Đầu tuần này Thủ tướng Angela Merkel khuyến cáo dân hạn chế tiếp xúc xã hội, hạn chế tiếp cận người già để giảm nguy cơ lây bệnh cho họ. Tuy nhiên bà Merkel lại không ủng hộ biện pháp kiểm soát biên giới như các nước láng giềng khác, theo đài RT.
Tại Bulgaria ngày 15-3 Thủ tướng Boyko Borissov cho biết sẽ tăng lương cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 thêm 1000 levs (tương đương 566 USD)/tháng. Hiện Bulgaria có hai người chết, 43 ca nhiễm. Số ca nhiễm ở nước này tăng gần gấp đôi chỉ trong cuối tuần rồi. Bulgaria đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đến ngày 13-4, đóng cửa trường học, cấm tụ tập.
Áo ngày 15-3 khuyến cáo người dân tự cách ly, hạn chế đi lại ở các nơi công cộng, cấm tụ tập trên năm người. Áo có người chết và 800 ca nhiễm.
Hàng hóa được mua sạch ở siêu thị tại thủ đô Vienna (Áo) ngày 14-3. Ảnh: REUTERS
Áo đã mở rộng danh sách cấm nhập cảnh ra các nước Anh, Hà Lan, Nga, Ukraine. Áo trước đó đã đóng cửa biên giới với Ý và Thụy Sĩ.
Hy Lạp ngày 15-3 cấm bay đi và đến Tây Ban Nha, cấm mọi tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không đến Albania và North Macedonia.
Hy Lạp có ba người chết và 228 ca nhiễm.
Cộng hòa Czéch cân nhắc phong tỏa toàn quốc. Tính đến hết ngày 14-3 nước này có 189 ca nhiễm nhưng Thủ tướng Andrej Babis dự đoán số ca nhiễm có thể sẽ lên tới 300 ca trong hôm nay (15-3).