“Siêu lừa” ở Quảng Ninh bị chung thân

Sau chín ngày xét xử, ngày 17-10, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án vụ án mạo danh Công ty Bảo hiểm Prudential lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức bán bảo hiểm với số tiền chiếm đoạt trên 232 tỉ đồng. Tòa tuyên phạt bị cáo Bùi Thị Thu Hằng mức án chung thân như đề nghị của VKS.

Ngoài ra, tòa buộc bị cáo Hằng phải bồi thường cho các nạn nhân 211 tỉ đồng.

Chiếm đoạt trên 232 tỉ đồng

Theo cáo trạng, Bùi Thị Thu Hằng (sinh năm 1984, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) cùng 16 đồng bọn dụ dỗ bằng các chiêu thức lừa đảo góp vốn mua bảo hiểm hưởng lãi cao. Cụ thể, từ tháng 4-2010 đến tháng 9-2011, lợi dụng danh nghĩa đại lý của Công ty Prudential, Hằng giả mạo làm Giám đốc văn phòng phát triển kinh doanh Prudential khu vực Quảng Ninh. Hằng cùng chồng tuyển dụng một số người khác làm nhân viên để lừa bán các loại bảo hiểm nhân thọ dưới danh nghĩa của Công ty Prudential.

Để lấy lòng tin khách hàng, Hằng và đồng bọn đã sử dụng phiếu thu giả mang logo, biểu tượng đặc trưng của Prudential cùng các bộ hồ sơ giả có biểu tượng của hãng bảo hiểm này. Sau đó, Hằng huy động vốn bằng các loại bảo hiểm ngắn ngày có lãi suất cao từ 50% đến 53% và bảo hiểm hưu trí đóng một lần hưởng lương hằng tháng 4-5,5 triệu đồng, thời hạn 20 năm, được trả lại toàn bộ số tiền đã nộp. Với thủ đoạn trên, Hằng và đồng phạm đã chiếm đoạt của 59 bị hại với tổng số tiền trên 232 tỉ đồng.

“Siêu lừa” ở Quảng Ninh bị chung thân ảnh 1

Bị cáo Bùi Thị Thu Hằng tại tòa. Ảnh: EA

Sự việc vỡ lở, Hằng cùng chồng ôm tiền bỏ trốn nhưng bị công an bắt giữ ở Đà Lạt.

Qua mặt cả Prudential

Khi lừa được nạn nhân đóng tiền, Hằng và đồng phạm chỉ giao cho họ hồ sơ, hợp đồng và phiếu thu tiền giả. Khi lấy được “hợp đồng”, đồng phạm (là “nhân viên” của Hằng) sẽ được hưởng 10% số tiền lừa được nhưng phải trích lại 15% số tiền được hưởng đó để cho Hằng lập cái gọi là “hồ sơ thường”. Những “hồ sơ thường” này được Hằng dùng đúng biểu mẫu, phiếu thu... do Công ty Prudential phát hành.

Số hồ sơ này Hằng nộp về công ty để làm nghĩa vụ như một đại lý thực thụ nhằm qua mặt Prudential. Nhờ vậy, Hằng còn lừa được cả Công ty Prudential, được công ty này vinh danh là đại lý có doanh thu API cao nhất miền Bắc trong “Bảng vàng Prudential Việt Nam”. Từ đó, Hằng dùng hình ảnh vinh danh này để quảng bá và gây lòng tin với các nạn nhân.

Với những thủ đoạn tinh vi đó, Hằng và đồng bọn đã lừa đảo, chiếm đoạt của 59 khách hàng với tổng số tiền trên 228 tỉ đồng (con số được chốt tại phiên tòa, sau khi giảm trừ một số khoản).

Prudential vô can nên không phải bồi thường

Tại phiên tòa, một số bị cáo không nhận tội vì cho rằng mình chỉ làm theo chỉ đạo của Hằng, không được hưởng lợi từ số tiền lừa đảo. Tuy nhiên, Hằng khai các nhân viên này biết rõ việc đi tư vấn, thu tiền là hành vi lừa đảo, viết các phiếu thu dưới tên giả. Sau đó, những người này đã che giấu các tài liệu. Theo tòa, điều này chứng tỏ các bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Tòa nhận định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội.

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo đã khiến nhiều gia đình khuynh gia bại sản. Đặc biệt, bị cáo Hằng là người chủ mưu nên cần phải cách ly khỏi xã hội vĩnh viễn. Người có hành vi nguy hiểm sau Hằng là Phạm Đăng Duy - “chuyên gia” làm giả hồ sơ, tài liệu để Hằng lừa đảo, bị phạt 13 năm tù. Các bị cáo còn lại bị phạt từ sáu đến 12 năm tù, riêng bị cáo Vũ Cao Thăng bị phạt ba năm tù treo.

Về yêu cầu Công ty Bảo hiểm Prudential phải có nghĩa vụ bồi thường cho những người bị hại của các luật sư, HĐXX cho rằng yêu cầu này không có căn cứ. Bởi các hợp đồng Hằng lừa khách hàng đều là hợp đồng giả, với những loại hình bảo hiểm hoàn toàn do “siêu lừa” này nghĩ ra. Từ đó, tòa buộc Hằng phải bồi thường cho các nạn nhân 211 tỉ đồng, các bị cáo còn lại liên đới bồi thường hơn 20 tỉ đồng.

Người phạm tội phải bồi thường

Phải nói rõ việc bồi thường cho người bị hại là bồi thường dân sự ngoài hợp đồng do hành vi phạm tội gây ra. Cho nên, theo nguyên tắc của luật hình sự, ai thực hiện hành vi phạm tội thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường cho các bị hại (Điều 41, Điều 42 BLHS).

Trong vụ án cụ thể này, hành vi phạm tội của bị cáo liên quan đến danh nghĩa của một công ty thì cơ quan tố tụng phải xác định có bị đơn dân sự hay không. Nếu Công ty Prudential không phải là bị đơn dân sự thì công ty này không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra).

Cơ sở để xác định tư cách trên là công ty có lỗi hay không. Rõ ràng trong vụ án này công ty không có lỗi vì bị cáo mượn danh công ty để lừa đảo thì lỗi cố ý là của bị cáo. Cụ thể, bị cáo và các đồng phạm lợi dụng danh nghĩa của Prudential, tự đặt in ấn và sử dụng tài liệu giấy tờ giả mạo, gian dối để lừa tiền. Đây rõ như ban ngày là hành vi phạm pháp của cá nhân bị cáo và đồng phạm.

Tiếp đó, cơ quan tố tụng phải tính giá trị tổng số tiền thiệt hại do bị cáo thực hiện việc lừa đảo là bao nhiêu để buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại. Nếu vụ án có đồng phạm thì dù đồng phạm không hưởng được đồng bạc nào từ số tiền này thì người đó vẫn phải liên đới cùng bị cáo bồi thường.

ThS ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

THANH TÙNG ghi

NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm