Bệnh mùa tựu trường

Theo ThS-BS Đỗ Đăng Trí, chuyên khoa nhi - Jio Health Việt Nam, trường học là nơi để trẻ em được bồi dưỡng kiến thức và phát triển các kỹ năng trong cuộc sống. Thế nhưng đây cũng là một điểm nóng với nguy cơ nhiễm các mầm bệnh trong cộng đồng.

Trong buổi trò chuyện tại Family Fair 2019 (TP.HCM) vào cuối tuần qua, BS Trí đã giải tỏa phần nào băn khoăn của phụ huynh.

ThS-BS Đỗ Đăng Trí, chuyên khoa nhi, Jio Health Việt Nam.

Mùa tựu trường trẻ lại dễ bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay-chân-miệng do ba nguyên nhân.

Cụ thể, ThS-BS Trí cho rằng các trường học khai giảng vào cuối tháng 8 đầu tháng 9. Đây là giai đoạn chuyển mùa từ hè sang thu với thời tiết thay đổi thất thường (nắng nóng gay gắt xen kẽ với những trận mưa lớn dai dẳng) và độ ẩm cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho những mầm bệnh sinh sôi nảy nở trong cộng đồng. Cùng đó, trẻ đến trường tiếp xúc với môi trường đông người và ý thức vệ sinh cá nhân của các em còn chưa cao nên những mầm bệnh dễ dàng lây nhiễm vào trẻ, tốc độ lây truyền bệnh nhanh. Trẻ còn nhỏ, sức đề kháng còn non yếu, không đủ sức chống lại mầm bệnh, dễ bị bệnh tấn công, nhất là các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa.

“Đặc biệt ở TP.HCM, giai đoạn này hằng năm đều là đỉnh dịch bùng phát của hai bệnh lý rất đặc trưng ở nước ta là sốt xuất huyết và tay-chân-miệng” - ThS-BS Đỗ Đăng Trí cho hay.

Để phòng bệnh cần rửa tay với xà phòng đúng cách và trang bị khả năng đề kháng tốt. Trong đó, yếu tố đề kháng có thể tăng cường bằng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý và chích ngừa đầy đủ cho trẻ. Rửa tay với xà phòng cũng giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ lây nhiễm chéo từ các bệnh nhân và nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện.

“Cha mẹ cần hướng dẫn con cách rửa tay với xà phòng cho đúng. Lưu ý chà đầy đủ các vùng của tay bao gồm lòng bàn tay, mu bàn tay, kẽ ngón tay, móng tay và cổ tay. Công đoạn này không được qua loa, khuyên nên chà trong khoảng 20 giây để bảo đảm sạch mầm bệnh. Những thời điểm nên rửa tay cho cả phụ huynh và các con: Trước và sau khi bốc thức ăn hoặc cho trẻ ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ hoặc cho trẻ uống thuốc, sau khi đi vệ sinh - thay tã hoặc giúp trẻ đi vệ sinh, sau khi giúp trẻ lau chùi mũi/miệng, sau khi che miệng lúc ho, hắt hơi, sổ mũi, sau khi chơi ở ngoài trời hoặc các khu vui chơi, hồ bơi, sau khi tiếp xúc với các loài vật nuôi, thú cưng, đồ vật dơ và sau khi đi ở ngoài về nhà” - BS Trí khuyên.

Cũng tại sự kiện, ThS-BS Đỗ Đăng Trí cũng đưa ra lời khuyên về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý. Trẻ cần ngủ đủ giấc: Trẻ 1-2 tuổi cần ngủ tổng cộng 11-14 giờ, trẻ 3-5 tuổi cần ngủ 10-13 giờ, trẻ 6-12 tuổi là 9-12 giờ, còn trẻ 13-18 tuổi nên ngủ đủ 8-10 giờ. Uống đủ nước (1.300 ml cho trẻ 1-3 tuổi, 1.200 ml cho trẻ 4-8 tuổi). Trẻ cũng cần vận động thường xuyên: Dưới sáu tuổi nên vận động ít nhất 3 tiếng/ngày, hạn chế thời gian ngồi ì một chỗ, trẻ 6-17 tuổi thì nên từ 60 phút/ngày.

Chích ngừa cũng là yếu tố quan trọng để giúp trẻ khỏe. Theo kinh nghiệm của BS Trí, nhiều nước còn quy định nếu trẻ không chích ngừa sẽ không được đến trường, muốn đi học phải kèm theo sổ chích ngừa, để tránh lây bệnh cho cộng đồng. “Trường học là môi trường lây lan của nhiều mầm bệnh nhưng may mắn, đa số những mầm bệnh lây lan nhanh và có thể gây bệnh nguy hiểm cho trẻ thì đều đã có những vaccine phòng bệnh rất hiệu quả như cúm, sởi, thủy đậu, ho gà…” - anh nói thêm.

Jio Health là ứng dụng cho phép bệnh nhân đặt bác sĩ đến khám tại nhà. Các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm học tập, làm việc và giảng dạy tại các trường đại học y khoa, bệnh viện hàng đầu Việt Nam. Ứng dụng Jio Health còn cho phép bệnh nhân hỏi đáp với bác sĩ qua tính năng tư vấn từ xa 24/7 miễn phí. Nhà thuốc trực tuyến Jio cũng đưa vào vận hành từ cuối năm 2018, góp phần cải thiện trải nghiệm chăm sóc sức khỏe của người dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm