Tấm lòng Nhật với người nghèo Quảng Ngãi

Một buổi sáng vào khoảng tháng 8 năm 2009, tại một xóm nhỏ heo hút thuộc xóm 6, thôn An Cư xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi)xuất hiện hai người Nhật thuộc “Tổ chức từ thiện tỉnh Shizuoka giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”. Shizuoka là quê hương có vũ điệu Yozakura khi người dân tổ chức lễ hội hoa anh đào.

Sẻ chia với người nghèo và nạn nhân da cam

Đoàn đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Lai (49 tuổi), một nạn nhân chất độc da cam. Bà Lai là người có hoàn cảnh đặc biệt - gia đình nghèo, không chồng, bị cụt một chân. Bất kể nắng mưa, bà đều tần tảo với một sào lúa và vài sào rau, mì để nuôi hai con ăn học.

Trong những năm qua, cháu Nguyễn Thị Tố Quyên (21 tuổi), con gái của bà đã được tổ chức từ thiện của Nhật trao học bổng và đã học hết cấp ba. Tuy nhiên, hiện nay em phải bỏ học vì không có tiền đi thi ĐH. Quyên phải lên Tây Nguyên hái cà phê thuê để kiếm tiền, cùng mẹ lo cho anh trai đang học ĐH tại Đà Nẵng.

Mái tóc bạc trắng, ánh mắt dại đi vì cả đời sống trong cơ cực. Bà Lai biết ơn tổ chức từ thiện từ Nhật xa xôi đã đến tận miền thôn dã thăm mẹ con bà. Ông Kazuhiro Miyao Chủ tịch hội, ông Hajime Kitamura - người nhiều năm sống ở Việt Nam làm trưởng đoàn. Đi từ nhà trên xuống nhà dưới, thỉnh thoảng Kitamura nói mấy câu tiếng Nhật và cười. Bà Lai ngơ ngác: “Ông người Nhật này tính rất tiếu lâm”. Nhưng có lẽ ông Kitamura nở nụ cười vì phát hiện ra trong ngôi nhà bà có một thứ đặc biệt - đó là chiếc tivi cũ rích do Nhật sản xuất cách đây vài chục năm. Vậy mà chiếc tivi này đang là tài sản quý giá nhất trong ngôi nhà lợp tôn nóng hầm hập.

Tấm lòng Nhật với người nghèo Quảng Ngãi ảnh 1

Ông Kitamura (bìa phải)và các thành viên trao học bổng cho các em học sinh tại Quảng Ngãi. Ảnh tư liệu

Trước khi rời ngôi làng nhỏ, Kitamura lặng người đi trước phong cảnh tĩnh lặng của xóm nghèo - ngọn núi Tròn in dưới hồ sen có làn nước xanh biếc. Cánh đồng xanh ngát uốn khúc bên rặng tre. Tỉnh Shizuoka - quê hương ông cũng là nơi trồng rất nhiều sen, hoa hồng, chè xanh và wasabi.

Sau lần Hajime Kitamura về thăm xóm nghèo, cháu Quyên đã được hỗ trợ một số tiền để làm lộ phí đi thi ĐH. Quyên đã thi đậu vào Trường ĐH Tây Nguyên và hiện nay đang học năm đầu tiên.

Lần đầu tiên đến với hội từ thiện cách đây sáu năm, Kitamura và các thành viên trong đoàn cứ lẳng lặng chụp lại ảnh các nạn nhân chất độc da cam treo trong văn phòng như thấm nỗi đau. Ông Kitamura đã viết sách về nạn nhân chất độc da cam và mang toàn bộ ảnh các nạn nhân chất độc da cam về Nhật tổ chức triển lãm. Từ đó, sự đau thương, tàn khốc của các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ của nhiều người dân Nhật.

Để hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, việc hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam tại Quảng Ngãi được triển khai bằng phương thức hỗ trợ vốn cho 12 phụ nữ nghèo để nuôi heo (1,5 triệu đồng/người), hỗ trợ 25 suất học bổng (1,8 triệu đồng/em/năm) cho con em các nạn nhân chất độc da cam học hành. Số tiền này do chính các thành viên trong tổ chức từ thiện đứng ra quyên góp.

Vậy là 37 cảnh đời khó khăn đã coi ông Kitamura và các thành viên trong đoàn như người thân. Có những người bị di chứng chất độc da cam, cả đời sống trong cơ cực, không dám ước mơ nhiều. Thế nhưng giờ họ lại biết đến đất nước Nhật xa xôi qua tấm ảnh hoa anh đào trước núi Phú Sĩ. Lúc trao tặng bức ảnh này, ông Kitamura giới thiệu - đó là quê hương ông, cách Tokyo hơn 100 km. Miền quê này ngoài hoa anh đào còn có hoa sen như Việt Nam. Và ít người biết rằng, tỉnh Shizuoka là nơi còn lưu lại bút tích của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu: “Tôi vì nợ nước mà tới đất Phù Tang”. Bút tích của cụ Phan được tỉnh Shizuoka công nhận là di tích.

Khi nói chuyện, ông Kitamura và các thành viên trong đoàn thường nhắc đến con số quen thuộc - ngày 10-8. Ông cho biết, ngày 6-8-1945, Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hirosima, ngày 8-8-1945, quả bom tiếp theo ném xuống Nagasaki, còn ngày 10-8 là ngày nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Tấm lòng Nhật với người nghèo Quảng Ngãi ảnh 2

Nụ cười của một em gái khi được ông Kitamura tặng xe lăn. Ảnh tư liệu

Tấm lòng như chiếc cầu nối hai dân tộc

Từ đất nước Nhật xa xôi, Kitamura luôn dõi theo những người mà ông đỡ đầu bằng lá thư được dán tem và ghi sẵn địa chỉ. Khi trao học bổng, mỗi em học sinh còn được nhận ba phong bì dán tem và ghi sẵn địa chỉ. Học kỳ I, các em phải có bản nhận xét kết quả học tập, nhà trường đóng dấu xác nhận, gửi sang Nhật để theo dõi kết quả, hai lá thư còn lại các em sẽ gửi vào dịp giữa học kỳ và kết thúc năm học. Khi nhận được thư của các em, ông Kazuhiro Miyao - Chủ tịch hội có thư phúc đáp và động viên.

Trong một lá thư viết ngày 10-8-2010 gửi cho em Tố Quyên, có đoạn: “Đạo lý cơ bản của một con người là tôn kính quý trọng bậc cha mẹ đã vất vả nặng nhọc nuôi dưỡng giáo dục ta nên người. Không làm được điều đó thì thật là khó mà được chấp nhận. Trong năm nay, cháu hãy gắng hết sức học tập”.

Hằng năm Kitamura lại cùng các thành viên đến thăm con em các nạn nhân chất độc da cam. Khi giúp ai, Kitamura thường đến kiểm tra, sờ tay vào từng con heo, hỏi thăm tỉ mỉ việc chăn nuôi lời lãi được bao nhiêu, cuộc sống bây giờ có đỡ hơn chút nào không, thường hay đau ốm gì, con cái hiện nay ra sao…

Khi tặng xe lăn cho các nạn nhân bị liệt, bước vào nhà các nạn nhân, ông cùng cha mẹ khiêng các em đặt lên xe lăn. Những đứa trẻ suốt ngày lăn lóc, lấm lem như củ khoai, có khi tè cả ra quần áo. Tuy vậy, ông vẫn không ngại. Bàn tay ông nhấc bàn chân các em đặt lên bàn đạp, hướng dẫn cách lăn bánh.

Trong lần tặng xe lăn cho con gái của bà Trương Thị Kim Cúc ở huyện Đức Phổ, người vợ của ông đã đẩy chiếc xe chở cháu nhỏ lăn bánh những vòng đầu tiên trên con đường lau sậy um tùm của sân bay Gò Hội. Nơi này từng là căn cứ hậu cần đầy chết chóc của Mỹ trước năm 1975.

Trên dặm đường đi thăm hỏi và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, Kitamura và các thành viên trong đoàn còn chia sẻ sự đồng cảm bằng những bản nhạc. Không thể mang theo cây đàn shamisen để gẩy vang lên những cung điệu réo rắt, buổi ca nhạc được hòa âm bởi tiếng đàn guitar và cây kèn harmonica. Nghe điệu nhạc, những đứa trẻ tật nguyền lóng ngóng đôi chân quắt queo, bật ra nụ cười.

Nhiều nạn nhân chất độc da cam tâm tình: “Tôi không hiểu hết lời bài hát nói gì nhưng tôi cảm nhận tình cảm của những người Nhật gửi đến chia sẻ với những nạn nhân chất độc da cam chúng tôi”.

Ngoài tiền hỗ trợ, ông Hajime Kitamura, đại diện hội từ thiện đã khám và điều trị mắt cho 150 cháu, hỗ trợ 40 xe lăn, 40 máy trợ thính, cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Quảng Ngãi

Ông Phan Thanh Long, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Có rất nhiều đoàn từ thiện nước ngoài đến giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên, ông Kitamura và các vị khách thuộc “Tổ chức từ thiện tỉnh Shizuoka giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” trở nên thân thuộc như một thành viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam Quảng Ngãi.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm