Tàu Trung Quốc rượt đuổi tàu cá Nhật

Ngày 21-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Nhật giải thích phát biểu chỉ trích Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khi ông Shinzo Abe trả lời phỏng vấn báo Washington Post (Mỹ) hôm 16-2. Theo Tân Hoa xã (Trung Quốc), người phát ngôn cho rằng phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe đã đi ngược lại mong muốn của cộng đồng quốc tế.

Cùng ngày, báo Asahi Shimbun (Nhật) cho biết thuyền trưởng tàu cá Zenko Maru của Nhật đã lên tiếng tố cáo tàu cá này đã bị ba tàu hải giám Trung Quốc rượt đuổi trong vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 18-2.

Cơ quan tuần duyên Nhật xác nhận hôm đó ba tàu hải giám Trung Quốc 66, 50 và 46 đã xâm nhập trái phép lãnh hải của Nhật ở phía đông đảo Uotsurishima thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sau đó, ba tàu này đã rượt đuổi tàu cá Zenko Maru chở theo một phóng viên, một nhà quay phim Cộng hòa Czech và một người phiên dịch.

Cơ quan tuần duyên Nhật đã dùng loa hướng dẫn tàu cá Zenko Maru tránh tàu Trung Quốc. Có lúc khoảng cách giữa tàu cá Zenko Maru và tàu Trung Quốc chỉ còn 60 m. Một tàu tuần tra của Nhật phải can thiệp.

Ngày 22-2, khoảng 500 người đã xuống đường biểu tình phản đối Hàn Quốc tranh chấp chủ quyền quần đảo Takeshima/Dokdo (ảnh). Trong đoàn biểu tình có ông Aiko Shimajiri ở văn phòng nội các (hàm thứ trưởng). Đây là lần đầu tiên trong số người biểu tình có đại diện của chính phủ. Người phát ngôn chính phủ Nhật cho biết quần đảo Takeshima/Dokdo thuộc lãnh thổ Nhật và chuyện ông Aiko Shimajiri tham gia biểu tình là điều bình thường.

Tàu Trung Quốc rượt đuổi tàu cá Nhật ảnh 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố rất đáng tiếc khi có đại diện chính phủ Nhật tham gia biểu tình và nói: Nhật ứng xử không phải theo cách thức hy vọng ủng hộ tình hữu nghị Hàn-Nhật. Vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Takeshima/Dokdo trở nên xấu đi sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thăm quần đảo này ngày 10-8-2012. H.DUY

Cuối cùng ba tàu hải giám Trung Quốc đã rời khỏi lãnh hải Nhật và tàu Zenko Maru được tàu tuần tra Nhật hộ tống về cảng Ishigaki.

Bình luận về quan hệ Nhật-Trung, nhà phân tích hàng hải và bình luận chính trị Mark Valencia phát biểu trên hãng tin CNN (Mỹ) ngày 20-2 (giờ địa phương) rằng để ngăn chặn xung đột, Nhật và Trung Quốc có thể áp dụng Thỏa thuận về các sự cố trên biển (INCSEA).

Thỏa thuận này do Mỹ đề xuất với Nga vào năm 1968 nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột quân sự sau khi giữa hải quân Mỹ và Nga xảy ra nhiều sự cố căng thẳng, máy bay và tàu bè hai bên di chuyển quá sát nhau rất giống với tình hình của Nhật và Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Vài năm sau, Nga cũng đã đạt được thỏa thuận tương tự như INCSEA với Hàn Quốc và Nhật. Thỏa thuận INCSEA ghi nhận:

- Tránh không va chạm tàu thuyền với nhau.

- Không can thiệp vào đội hình tàu thuyền, máy bay, trực thăng của nhau.

- Các tàu tránh truy đuổi nhau ở các vùng biển có mật độ giao thông dày đặc.

- Bắt buộc tàu tuần tra duy trì khoảng cách an toàn với tàu cần theo dõi, tránh gây nguy hiểm hoặc ngăn trở hoạt động của tàu cần theo dõi.

- Sử dụng các tín hiệu quốc tế đã công nhận khi các tàu di chuyển sát nhau.

- Không tấn công, ném đồ vật hoặc chiếu đèn vào tàu đối phương.

- Thông báo cho các tàu biết khi có tàu ngầm đang hoạt động gần đó.

- Yêu cầu máy bay phải thận trọng trong khi đến gần máy bay hoặc tàu đối phương; kiềm chế không tấn công tàu, máy bay đối phương; kiềm chế nhào lộn bên trên hay thả vật nguy hiểm gần tàu đối phương.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm