Ngày 15-4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) phối hợp với các cơ quan liên quan công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024.
Theo kết quả công bố, tỉnh Tây Ninh xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố cả nước, chỉ sau tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, Tây Ninh đạt 47,3452 điểm, mức cao nhất của tỉnh từ trước đến nay. Thành tích này cho thấy những cải thiện rõ rệt trong công tác quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công cho người dân.
So với năm 2023 – thời điểm Tây Ninh chỉ đạt 39,24 điểm, thuộc nhóm cuối bảng, kết quả năm nay, cho thấy bước chuyển mình đáng ghi nhận. Các năm trước đó như 2020, 2021, 2022, điểm số PAPI của tỉnh cũng chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình thấp so với cả nước.

Năm nay, điểm số các nội dung thành phần như kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công, trách nhiệm giải trình, quản trị môi trường và điện tử đều có xu hướng tăng mạnh.
PAPI là công cụ đo lường hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh dựa trên khảo sát cảm nhận và trải nghiệm thực tế của người dân.
Bộ chỉ số gồm 8 nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; minh bạch trong ra quyết định; trách nhiệm giải trình; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.
Theo báo cáo, PAPI không chỉ là công cụ theo dõi, đánh giá năng lực điều hành và quản lý nhà nước mà còn góp phần hỗ trợ chính quyền địa phương đưa ra điều chỉnh kịp thời, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.

Khảo sát năm nay cũng ghi nhận mối quan tâm ngày càng tăng của người dân trước biến đổi khí hậu. Gần 40% số người tham gia, cho biết gia đình hoặc cộng đồng của họ đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm qua.
Những tác động khốc liệt của bão Yagi cùng với sự gia tăng bất thường của nắng nóng, lũ lụt và hạn hán cho thấy sự cần thiết phải tăng cường quản trị môi trường có sự tham gia của cộng đồng.
Báo cáo đề xuất các địa phương cần nâng cao năng lực ứng phó với thảm hoạ, đầu tư hạ tầng kiên cố, đồng thời triển khai các biện pháp thích ứng phù hợp với từng vùng miền nhằm bảo vệ người dân và tăng khả năng chống chịu dài hạn trước biến đổi khí hậu.