Các hiệp định thương mại giúp Việt Nam tăng hơn 300% GDP

Ngày 23-9, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam (VN) tham gia.

Báo cáo với đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết việc tham gia các hiệp định FTA đã tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế VN, thể hiện qua việc thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng. Thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTAs.

“Việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của VN tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%” - Bộ trưởng cho biết.

Hiện nay VN đã có 13 FTA có hiệu lực và đang đàm phán ba FTAs.

Trong 13 FTAs đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thế hệ mới đầu tiên mà VN tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do VN - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Chỉ sau một tháng EVFTA có hiệu lực, có 277 triệu USD kim ngạch xuất khẩu đi 28 nước EU, chủ yếu là hàng dệt may, thủy sản, nhựa... Ảnh: HTD

Về CPTPP, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa VN và 10 nước đạt hơn 77 tỉ USD, tăng gần 4% so với năm 2018.

Kim ngạch xuất khẩu của VN sang 10 nước là gần 40 tỉ USD, tăng hơn 7% so với năm 2018...

Trong năm 2019, VN đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỉ USD, trong khi năm 2018 VN nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỉ USD...

Đối với EVFTA, trong tháng đầu tiên kể từ khi hiệp định đi vào thực thi (ngày 1-8), các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, valy, rau quả, sản phẩm mây tre đan... Trong đó nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi từ hiệp định này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra việc tham gia các FTAs, đặc biệt là các FTAs thế hệ mới có tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà còn kèm theo những rủi ro và thách thức.

Đó là thách thức về pháp luật, thể chế; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTAs trước đây như lao động, công đoàn, môi trường; thách thức về bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế...

Do đó, Bộ trưởng cho rằng việc đánh giá tác động và tình hình thực hiện FTAs tại thời điểm này là thực sự cần thiết với mục đích mang lại cái nhìn bao quát, xác định được cơ hội thách thức với doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ và giúp cho công tác thực thi trong thời gian tới được hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho nước ta.

303 hiệp định đang có hiệu lực

Các hiệp định FTAs đã trở thành một trào lưu chung trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa, đồng thời là giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn khi mà những thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa làm hài lòng các nước về mức độ cam kết.

Số lượng FTAs trên thế giới tăng nhanh chóng. Theo thống kê của WTO, tính đến tháng 1-2020 đã có tổng cộng 303 hiệp định có hiệu lực trong số 483 hiệp định được các nước thông báo tới WTO.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình dương có 262 FTAs được ký kết, thông báo tới WTO và với sự tham gia của nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm