Sáng 12-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Tại đây ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đã đề xuất thu thêm một loại phí từ 3-5 USD gọi là “phí chia tay” khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài…
ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội).
Cho ý kiến về việc nghĩa vụ của công dân Việt Nam ra nước ngoài, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đề xuất học tập kinh nghiệm thu phí xuất nhập cảnh như một số quốc gia trên thế giới đã thực hiện.
"Phía chia tay để hỗ trợ công dân khó khăn ở nước ngoài"
“Vì vậy, tôi có một suy nghĩ nên chăng Việt Nam cũng giống một số nước là khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền gọi là phí chia tay. Số tiền này khoảng 3-5 đô la/người khi xuất cảnh, ta dùng số tiền đó trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ công dân khi công dân Việt Nam ra nước ngoài gặp khó khăn…” – ông đề nghị.
Theo ông số tiền này cũng có thể dùng một phần để cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như những việc khác để phục vụ công tác xuất nhập cảnh, đầu tư xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh của đất nước…
Ngăn chặn tội phạm bỏ trốn nước ngoài
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cũng cho nhiều ý kiến về quy định cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ. Hiện dự luật gợi ý hai phương án, trong đó phương án 1 là quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và cơ quan có thẩm quyền quyết định cử, cho phép; Phương án 2 mang tính nguyên tắc chung, giao Chính phủ quy định chi tiết.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội).
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng phương án 1 quy định quá cụ thể và trùng lặp đối với một cá nhân đang cùng lúc đảm nhận nhiều chức danh của Đảng, Nhà nước, chính quyền và đoàn thể, tạo nên sự phức tạp, rắc rối. Phương án 2 thì chưa cụ thể. Quyền tự do đi lại của công dân cần được quy định trong văn bản luật chứ không nên để Chính phủ quy định trong văn bản dưới luật.
“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu sắp xếp lại các nhóm đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sao cho ngắn gọn, khoa học và tránh trùng lặp với các chức danh chỉ thuộc về một người.
Ví dụ, trường hợp Vũ "nhôm" có vài ba hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ cùng thời điểm. Phải chăng, từ quy định trùng lặp như phương án 1 vừa qua. Đề nghị Chính phủ gia công xây dựng phương án 1 cho tốt hơn, rõ ràng và minh bạch, tránh chồng chéo, dễ phát sinh lạm quyền” – ĐB Khánh nói.
Còn ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) nói theo quy định được biết thì lãnh đạo của tổ chức chính trị xã hội như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam... thì không được cấp hộ chiếu ngoại giao và công vụ mà là cấp phổ thông. Trong khi đó, các phu quân, phu nhân, con dưới 18 tuổi của các nhân viên ngoại giao lại được cấp hộ chiếu ngoại giao.
“Điều này là rất bất cập, tôi đề nghị trong luật này nên quy định Chủ tịch các tổ chức chính trị xã hội do Ban Bí thư quản lý thì cần thiết được cấp hộ chiếu ngoại giao” – ĐB Khải đề nghị.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến vào trong biên bản.
"Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan tổ chức có liên quan và nhân dân tiếp tục cho ý kiến về dự án luật. Ban soạn thảo sẽ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới theo đúng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội” - ông nói