Nguyên nhân nữ trưởng phòng ‘lọt cửa lý lịch’

Câu chuyện về lai lịch thực sự của trưởng phòng quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk khiến dư luận đặt ra nhiều mối nghi hoặc cũng như những đồn đoán nhiều chiều. Báo Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu về vấn đề này.

Tuy hai mà một…

“Trưởng phòng quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã thừa nhận mình tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo. Bà Thảo nói lúc nhỏ có tên cúng cơm là Trần Thị Ngọc Thêm” - ngày 9-10, nguồn tin của báo Pháp Luật TP.HCM cho biết như trên rồi khẳng định: “Tên Thảo hay tên Thêm cũng đều là một người”.

Trước đó, liên quan đến việc bà trưởng phòng quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có tên “Trần Thị Ngọc Ái Sa” bị tố là mượn bằng của chị để xin việc làm và thăng tiến, phía Văn phòng Tỉnh ủy đã có thông tin đến báo chí. Cụ thể, bà này có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1975), chưa học hết cấp ba nhưng đã lấy bằng cấp ba của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (là chị ruột) để đi học trung cấp, học liên thông lên đại học và nay đã học đến thạc sĩ, đồng thời kê khai lý lịch cán bộ, công chức không trung thực...

Tuy nhiên, sau đó có thông tin cho rằng bà Trần Thị Ngọc Ái Sa thật (hiện là nữ hộ sinh, làm việc tại BV đa khoa Lâm Đồng) không có người em nào tên Thảo, bản thân bà Sa sau đó cũng khẳng định chỉ có em gái sinh năm 1975 tên là Trần Thị Ngọc Thêm. Điều này dấy lên trong dư luận mối nghi hoặc về lai lịch thực sự của nữ trưởng phòng cũng như những đồn đoán nhiều chiều…

Song với việc xác tín “Tên Thảo hay tên Thêm cũng đều là một người” như trên thì việc nữ hộ sinh Trần Thị Ngọc Ái Sa có em gái giữ chức trưởng phòng là đúng.

Bà “trưởng phòng Trần Thị Ngọc Ái Sa”.  Ông Lâm Vũ Hùng, Bí thư Đảng ủy phường 4, TP Đà Lạt, trao đổi với phóng viên. Ảnh: H.TRƯỜNG

Chị đảng viên nên lý lịch của em không cần xác minh kỹ?

Liên quan tới công tác xác minh lý lịch của bà Thảo (Thêm) trong quá trình thăng tiến lên vị trí trưởng phòng, có một thông tin đáng chú ý. Theo đó, trước khi bà này được kết nạp Đảng, phía Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có công văn đề nghị xác minh một số vấn đề.

Cụ thể, theo ông Lâm Vũ Hùng, Bí thư Đảng ủy phường 4, TP Đà Lạt, khoảng năm 2012, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có công văn gửi đường bưu điện về việc xác minh Trần Thị Ngọc Ái Sa (thực tế là bà Thảo) có chị ruột là Trần Thị Ngọc Ánh đang là đảng viên. Bà Ánh là một trong số hơn 10 anh chị em với hai bà Ái Sa, Ngọc Thảo.

“Thời điểm đó, bà Trần Thị Ngọc Ánh là đảng viên chi bộ Mầm non Anh Đào (Trường Mầm non Anh Đào), trực thuộc chi bộ Đảng bộ phường 4. Việc gửi công văn xác minh cũng là đúng theo quy định... Thực tế bà Ngọc Ánh lúc đó là đảng viên, phó bí thư chi bộ Trường Mầm non Anh Đào nên phường đã có xác nhận như vậy” - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, theo quy định, nếu trong gia đình có người đã vào Đảng thì coi như đã được làm kê khai, điều tra lý lịch…

Được biết ngoài xử lý việc nữ trưởng phòng mang tên giả, khai báo lý lịch không trung thực thì cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đang xem xét kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan. Việc làm rõ trách nhiệm bao gồm cả công tác xác minh lý lịch của bà trưởng phòng thời gian trước đó.

11 năm đi từ nhân viên lên trưởng phòng

Về quá trình thăng tiến của “nữ trưởng phòng Ái Sa”, theo ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, tháng 9-2002, bà Sa (thực tế tên Thảo) xin vào làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu 2-9. Công ty này cần bằng cấp ba để làm hợp đồng nên bà đã mượn bằng của chị để đưa vào cho đúng thủ tục. Sau đó cùng với quá trình học lên cao, bà đã trải qua nhiều chức vụ… và từ năm 2016 thì làm trưởng phòng quản trị. Vị chánh văn phòng cho biết vi phạm của bà này là rõ ràng, cơ quan liên quan đang dự kiến quy trình thủ tục xử lý kỷ luật. Ông cho hay bà trưởng phòng sẽ bị xử lý kỷ luật ở hình thức cao nhất.

Hiện bà trưởng phòng đã nghỉ phép và xin nghỉ việc nhưng đề nghị đó của bà chỉ được giải quyết khi các vi phạm được xử lý xong. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm