Trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, hành vi bởi TikTok và mạng xã hội

(PLO)- Không ít trẻ nhờ phương tiện này đã tự tìm tòi, tiếp cận với mạng xã hội lớn như TikTok, YouTube, Facebook… và vô thức bị ảnh hưởng tâm lý và hành vi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay, lối sống bận rộn, nhiều phụ huynh trang bị cho con em điện thoại thông minh (smartphone) để sử dụng. Bên cạnh đó, thời gian qua, học sinh phải học trực tuyến nhiều hơn nên có cơ hội tiếp cận với smartphone nối mạng nhiều hơn. Không ít trẻ sau một thời gian sử dụng các mạng xã hội như TikTok, YouTube, Facebook… và vô thức bị ảnh hưởng tâm lý và hành vi.

Phụ huynh cần quan tâm chọn lọc thông tin cho trẻ và cho trẻ sử dụng smartphone hợp lý. Ảnh: TA

Phụ huynh cần quan tâm chọn lọc thông tin cho trẻ và cho trẻ sử dụng smartphone hợp lý.
Ảnh: TA

Thu mình khi chơi TikTok

Chị Huyền Anh (sống ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ thời gian qua, do con phải học trực tuyến trong lúc chị đi làm nên chị trang bị smartphone cho con gái học lớp 7. Sau một thời gian sử dụng, chị Huyền Anh để ý con thường thu mình trong phòng, không hứng thú chơi với bạn bè.

“Lúc dịch căng thẳng, tôi thấy bé hạn chế ra ngoài nên không nghiêm khắc với con trong việc lướt mạng xã hội. Nhiều đêm tôi thấy bé thường xem TikTok đến khuya, nhiều lúc cười một mình và phải tịch thu điện thoại mới chịu ngủ nên cả nhà rất hoang mang” - chị Huyền Anh kể.

Do đặc thù mỗi ngày phải làm việc trái múi giờ với đối tác nước ngoài vào ban đêm, vợ cũng hay làm ca đêm, anh Nguyễn Tuấn thường để con trai (sáu tuổi) xem TikTok, YouTube thay vì hay đưa con đi chơi như trước. Có một lần anh lỡ giẫm vào nước trên sàn nhà và trượt té thì con trai anh bất ngờ kêu lên “ôi con sông quê, con sông quê” rất vui vẻ. Anh cảm thấy rất bất ngờ vì không hiểu con học được ở đâu và lo lắng hành vi cư xử của con bị lệch lạc, thay vì hỏi thăm và có động thái giúp đỡ người gặp nạn thì con vô tư hồn nhiên cười trên nỗi đau của người khác.

Phụ huynh cần quan tâm chọn lọc thông tin cho trẻ và có cách tiếp cận phù hợp với trẻ ở giai đoạn vị thành niên.

Cách đây không lâu, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết tiếp nhận một bé trai (10 tuổi) bị vẹo cổ khi học thử thách nhào lộn trên TikTok. May mắn bé trai chỉ bị chấn thương phần mềm.

Nên dành thời gian tương tác với mạng xã hội cùng con

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, Khoa tâm lý vật lý trị liệu BV Nhi đồng 2, cho biết khoa thường xuyên tiếp nhận trẻ bị ảnh hưởng tâm lý sau thời gian sử dụng mạng xã hội. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh, trẻ ở nhà nhiều hơn, do đó thuận lợi tiếp cận mạng xã hội khi học trực tuyến hơn nên số ca bị ảnh hưởng tâm lý cũng gia tăng nhiều hơn.

Các trẻ thường đến với biểu hiện lo âu, căng thẳng hoặc thu rút, mất tương tác xã hội, chủ yếu chỉ tương tác với thiết bị điện tử.

Chuyên viên Hải Uyên nêu một số trẻ xem nhiều tình huống kịch bản dựng lên từ mạng xã hội dẫn đến ảnh hưởng nhận thức và cách lý giải mọi thứ xung quanh. Chẳng hạn, trẻ xem các tình huống dựng lên bị đe dọa thì ra đường cũng suy nghĩ có thể đang bị đe dọa trong khi thực tế không có bằng chứng cho thấy chuyện này xảy ra dẫn đến rối loạn lo âu. Dạo gần đây, mạng xã hội TikTok dù mới phát triển nhưng ảnh hưởng của kênh này đến trẻ khá lớn. Một số trẻ kể xem các kịch bản trên này và sợ gặp các tình huống tương tự phổ biến.

Học cách làm bạn
với trẻ vị thành niên

Trẻ vị thành niên dần bước ra khỏi mối quan hệ với cha mẹ và gắn bó, giao lưu với bạn bè nhiều hơn, nếu nói con không được xem cái này, cái kia thì dễ dẫn đến phản ứng ngược, vô tình đẩy trẻ ra xa. Nên học cách làm bạn với con, hiểu vì sao con quan tâm đến điều đó, từ đó mới đồng hành cùng con trước khi đưa ra lời khuyên và hỗ trợ chọn lọc thông tin cùng con.

Chuyên viên HẢI UYÊN

Một số trẻ thích được tán dương, ngưỡng mộ trên mạng xã hội đa số không tự tin và có xu hướng trốn tránh, không tự tin trong môi trường thực tế. Trẻ có thể có nhiều mối lo ngại về điểm số, sợ bị phán xét nên lên mạng xã hội như một cách giải tỏa, trấn an cho hình ảnh bản thân.

Theo chuyên viên Hải Uyên, không thể phủ nhận những lợi ích tích cực khi sử dụng mạng xã hội, tuy nhiên trẻ em khi sử dụng cần có sự giám sát của người lớn và thời gian sử dụng hợp lý.

“Thông thường trẻ đi học về sinh hoạt ở gia đình 4-5 giờ đồng hồ thì thời gian dành cho thiết bị điện tử chỉ nên tối đa là 1 giờ, nếu ít hơn thì tốt và tốt nhất là nên có sự tương tác của các thành viên trong gia đình. Chẳng hạn, cha mẹ có thể cùng con xem tivi, cùng nhau thảo luận về một kênh nào đó thì mạng xã hội vẫn có khả năng gắn kết dù trong thế giới ảo. Con không việc gì phải thu rút nếu các thành viên tương tác tốt với nhau” - chuyên viên Hải Uyên hướng dẫn.

Bên cạnh đó, theo chuyên viên Hải Uyên, phụ huynh cần quan tâm chọn lọc thông tin cho trẻ và có cách tiếp cận phù hợp với trẻ ở giai đoạn vị thành niên.

Chuyên viên Hải Uyên chia sẻ giai đoạn 0-3 tuổi là giai đoạn vàng của sự phát triển, mọi tác động giáo dục và thay đổi môi trường tác động lớn đến sự phát triển của trẻ, vì vậy phụ huynh nên tranh thủ thời gian này.

“Để tránh hậu quả đáng tiếc, các phụ huynh nên học cách nhận diện các dấu hiệu trẻ gặp stress, trầm cảm, lo âu, rối loạn kích ứng hoặc bất cứ khó khăn tâm lý trước khi có hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, các trẻ vị thành niên có ý nghĩ về cái chết thông thường đã ở mức độ nặng, nếu phát hiện sớm tín hiệu ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc của con thì giai đoạn đầu dễ đồng hành cùng con hơn, càng về sau sẽ khó hơn vì trẻ dễ cảm thấy bị tra hỏi, phán xét” - chuyên viên Hải Uyên nói.•

Các dấu hiệu sớm ở trẻ

Các dấu hiệu sớm ở trẻ là có bất thường về hành vi, cảm xúc, ngôn ngữ, đôi khi trẻ dễ cáu giận vô cớ, chỉ bị kích thích nhỏ cũng la hét, đập phá xung quanh. Về mặt cảm xúc, trẻ dễ bị cáu gắt, dễ thu rút, dễ sợ, hoảng loạn, thường xuyên chia sẻ cảm thấy buồn chán, lo âu xung quanh, đột nhiên mất hứng thú không muốn làm gì. Về ngôn ngữ, trẻ ít nói hẳn đi hoặc tự nhiên bắt chuyện nhiều người, trong câu chuyện trẻ kể có màu sắc bất thường. Trẻ nhắc bạo lực súng đạn nhiều hơn hoặc những yếu tố liên quan nỗi lo sợ của trẻ, nhìn người này, người kia thấy sợ trong khi không có bằng chứng cụ thể nỗi sợ đó, nếu phụ huynh quan tâm phát hiện, giai đoạn đầu sự can thiệp sẽ dễ dàng đồng hành cùng con hơn vì sự phòng vệ của trẻ ít hơn.

Chuyên viên HẢI UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm