Nhiều phụ huynh vì lười biếng hay do thiếu hiểu biết đã không đưa con bị bệnh đến bác sĩ khám mà chỉ cho con uống thuốc theo đơn thuốc... người khác hoặc nghe hàng xóm mách bảo mua thuốc về cho con uống, hậu quả là con phải đi cấp cứu.
Tùy tiện cho trẻ dùng thuốc
Ngày 24-5, tức sau gần hai tuần nhập bệnh viện do ngộ độc paracetamol, bệnh nhi PTBN (sáu tuổi, quận 4, TP.HCM) vẫn còn lơ mơ, tiếp tục thở máy tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BV Nhi đồng 2. Bác sĩ Nguyễn Thanh Thiện, khoa Hồi sức tích cực và chống độc, cho biết ngày 12-5, bệnh nhi nhập viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, vàng da, ói ra máu, hạ đường huyết. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị tổn thương gan, men gan cao, rối loạn đông máu nặng gây nên tình trạng suy gan cấp. Tuy nhiên, các bác sĩ nghĩ đây là bệnh lý gan do nhiễm siêu vi. Bệnh nhi được chuyển qua khoa Hồi sức tích cực và chống độc, tại đây các bác sĩ nghi ngờ em bị ngộ độc thuốc. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng paracetamol trong máu bệnh nhi vượt ngưỡng cho phép.
“Vì bệnh nhi nhập bệnh viện trễ nên không thể dùng thuốc giải được. Chúng tôi cho bé uống thuốc hạ sốt và hỗ trợ thở máy. Nhưng sau 12 giờ, nồng độ paracetamol trong máu bệnh nhi vẫn còn cao, điều này cho thấy bệnh nhi đã uống một lượng lớn paracetamol” - bác sĩ Thiện nói.
Sau gần hai tuần cấp cứu do ngộ độc paracetamol, bệnh nhi N. vẫn còn thở máy. Ảnh: DUY TÍNH
Theo bà ngoại của bệnh nhi, thấy cháu sốt mấy ngày không hết, bà bèn sang nhà hàng xóm “mượn” đơn thuốc của đứa bé trạc tuổi về mua thuốc cho cháu uống. Hậu quả là sau vài giờ đồng hồ, cháu bé lơ mơ. Do bị câm điếc nên cháu N. không có biểu hiện tức thời. Khi bà ngoại phát hiện thì cháu đã có biểu hiện hôn mê.
Một trường hợp khác, theo bác sĩ Thiện, bệnh nhi nhập bệnh viện trong tình trạng da bị bong nước do thoa thuốc lạ. Phụ huynh bệnh nhi cho biết em bị sảy, nghe nói thoa thuốc “bảy sắc cầu vồng” sẽ hết nên chị ra nhà thuốc mua về cho con. Kết quả sau khi thoa, đứa con bị nổi mẩn đỏ, sưng, bong tróc, chảy nước…
Uống thuốc như thế nào là đúng?
Theo bác sĩ Thiện, nhiều phụ huynh khi dẫn con đi khám bệnh thường không chú ý bác sĩ dặn dò, hay bác sĩ không dặn dò mà phụ huynh cũng không hỏi, do đó khi về thì cho con uống thuốc không đúng.
Bác sĩ cho một ngày ba cữ, phụ huynh cũng về cho uống ba cữ nhưng mỗi cữ chỉ cách nhau… 1 tiếng thay vì cách nhau 4 tiếng. Uống như vậy sẽ gây nên tình trạng ngộ độc cấp do dùng nồng độ thuốc gấp nhiều lần cho phép. Hoặc có phụ huynh cho con uống một ngày 5-6 cữ cũng gây nên ngộ độc mạn. “Tốt hơn hết, phụ huynh cứ hỏi bác sĩ sau khi kê toa, tuy nhiên cũng cần đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng có trong hộp thuốc. Khi cho uống, trẻ ói ra liền thì cho uống lại nhưng sau 30 phút trẻ mới ói mà cho uống tiếp thì sẽ gây nên ngộ độc do phần thuốc trước đã ngấm vào người. Đặc biệt, không để trẻ tự uống thuốc vì trẻ sẽ lấy thuốc uống quá liều” - bác sĩ Thiện khuyên.
Theo bác sĩ Thiện, vấn đề ngộ độc, phản ứng của mỗi loại thuốc khác nhau và tùy vào lượng uống sẽ gây ngộ độc nhanh hay chậm, nặng hay nhẹ. Tuy nhiên, biểu hiện thường thấy nhất của ngộ độc thuốc là vàng da, lơ mơ và tổn thương gan.
“Khi thấy con bị bệnh thì phải đưa đến bác sĩ thăm khám để được chỉ định điều trị đúng cách, không uống thuốc theo đơn người khác hoặc nghe lời hàng xóm mách bảo, điều này sẽ dẫn đến những tai họa khó lường” - bác sĩ Thiện khuyến cáo thêm.
Thời gian qua, BV Nhi đồng 2 đã cấp cứu 3-4 trẻ bị ngộ độc thuốc Đông y. Mỗi năm, BV Nhi đồng 1 cũng cấp cứu hàng chục trẻ ngộ độc thuốc. Có bà mẹ thấy con nghẹt mũi nên dùng thuốc nhỏ mũi người lớn nhỏ cho con nhiều lần, kết quả là đứa con bị… cao huyết áp, rối loạn nhịp tim. Có bà mẹ thấy con bị bệnh, nôn, uống thuốc theo toa bác sĩ chưa khỏi nên ra nhà thuốc mua thuốc chống nôn cho uống tiếp, sau khi uống đứa bé co giật, gồng người do… uống quá liều! |
DUY TÍNH