Vaccine thủy đậu hết nhưng vẫn nói có!

Ngày 29-5, lần đầu tiên, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí phía Nam để cung cấp thông tin về y tế. Tình hình dịch bệnh, thiếu vaccine, bảo hiểm y tế (BHYT)… là những quan tâm hàng đầu được phóng viên các báo đài đặt ra tại cuộc gặp mặt. Tuy nhiên, ở nhiều vấn đề, đặc biệt là vaccine dịch vụ, ngành y tế chưa có thông tin rõ ràng cho người dân.

“Nơi nào còn xin chỉ cho dân”

Pháp Luật TP.HCM:Vaccine thủy đậu, vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 đã hết từ lâu, nguyên nhân vì sao và khi nào có lại?

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế: Những năm gần đây, bệnh thủy đậu xuất hiện nhiều và có biến chứng nhưng không nghiêm trọng như các bệnh khác. Đây là bệnh có vaccine dịch vụ. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương có bệnh thủy đậu cố gắng ngoài truyền thông, giám sát, tăng cường điều trị thì đáp ứng vaccine cho người dân. Hà Nội còn vaccine, TP.HCM còn hay không thì hỏi Trung tâm Y tế dự phòng TP!

Thực tế người dân đang “khát” vaccine thủy đậu và nhiều loại vaccine dịch vụ khác. Ảnh: TÙNG SƠN

Ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM: ba loại vaccine nêu trên là vaccine dịch vụ cung cấp thêm cho người dân lựa chọn, sẽ thiếu từng địa điểm cụ thể chứ không thể thiếu trên phạm vi cả nước. Trên cùng địa bàn thì chỗ có chỗ không.

Phụ nữ TP.HCM: đề nghị ông Lân cho biết chỗ nào còn vaccine thủy đậu để chỉ cho người dân đến tiêm.

Không có câu trả lời từ ông Lân.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM: Hiện TP có 126 điểm tổ chức tiêm chủng dịch vụ nhưng hầu như không nơi nào còn. “Thông tin từ Cục Quản lý dược là cho nhập 80.000 liều vaccine thủy đậu từ Hàn Quốc về nhưng thực tế nhập về có 20.000 liều, như muối bỏ biển. Còn vì sao họ không nhập 60.000 liều nữa thì cũng không giải thích”.

Thừa nhận truyền thông hạn chế

Pháp Luật TP.HCM: Vì sao cứ sau một biến cố y tế, ngành y tế cho rằng do truyền thông hạn chế, nguyên nhân do đâu và khắc phục như thế nào?

Ông Trần Đức Long: qua truyền thông dịch sởi vừa rồi, Chính phủ đánh giá một trong những nguyên nhân mà Bộ Y tế đáp ứng chưa tốt là công tác truyền thông, việc chủ động cung cấp thông tin cho dư luận cũng như báo chí còn hạn chế.

Chúng tôi mong báo chí cùng truyền thông để tăng tính hiệu quả. Muốn vậy báo chí phải hiểu hết các văn bản quy phạm pháp luật về y tế. Thí dụ, giai đoạn vừa qua khủng hoảng thông tin công bố dịch hay không công bố dịch. Sau khi chúng tôi họp báo và nói rõ việc công bố hay không phải căn cứ quy định pháp luật. Nếu nhân dân chưa hiểu, cơ quan báo chí cũng chưa làm rõ vấn đề này để nhân dân đồng cảm thì làm cho lòng tin của nhân dân với y tế giảm và bản thân cán bộ y tế cũng lúng túng không biết mình làm đúng chưa. Như vậy nó ảnh hưởng đến quá trình phòng, chống dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo chúng tôi khắc phục những hạn chế này”.

Pháp Luật TP.HCM: Vậy tỉ lệ tiêm vét vaccine đạt 96%, liệu con số có chính xác không?

Ông Trương Định Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế: Con số này được tổng kết từ báo cáo hằng ngày của tất cả điểm tiêm chủng trên cả nước nên chính xác. Hiện nay, trong 11 tỉnh tiêm chiến dịch chỉ có Hà Nội đã tổ chức xong việc tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ hai đến dưới 10 tuổi.

DUY TÍNH

 

Cấp thẻ BHYT cho người dân sống tại các xã đảo

Tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, thông tin thêm về Đề án 317 về phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng phê duyệt vào tháng 2-2013. Mục tiêu chung của đề án là bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Đến nay Bộ Y tế đã ban hành được danh mục thuốc dùng trên các tàu cá đánh bắt xa bờ và Bộ cũng đã làm việc với các bộ liên quan để trình Chính phủ quyết định cơ chế cấp thẻ BHYT cho 100% người dân sống tại các xã đảo, huyện đảo.

Trong hai ngày 30-31 tháng 5, Bộ Y tế sẽ có cuộc làm việc tại đảo Lý Sơn và tỉnh Quảng Ngãi, triển khai chương trình cùng ngư dân bám biển. Bộ Y tế sẽ khảo sát về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng…, trên cơ sở đó xây dựng chính sách phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm