Xét tuyển đại học bằng điểm đánh giá năng lực ra sao?

(PLO)- Sau khi có điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM, thí sinh sẽ có một đợt duy nhất để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH bằng điểm thi này từ ngày 5 đến 28-4.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ĐH Quốc gia TP.HCM vừa chính thức công bố điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1. Đợt này có hơn 88.000 thí sinh (TS) dự thi để xét tuyển vào 91 trường ĐH, CĐ năm 2023.

152 TS đạt trên 1.000 điểm

Phân tích phổ điểm thi đợt 1 năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết kết quả phân tích 88.052 bài thi cho thấy điểm trung bình của TS là 639,2 điểm, theo thang điểm 1.200. Toàn đợt thi có 152 TS đạt trên 1.000 điểm. TS có điểm thi cao nhất là 1.091 điểm và thấp nhất là 238 điểm.

ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn triển khai hệ thống xét tuyển chung cho các đơn vị trong và ngoài hệ thống. Do đó, TS chỉ cần đăng ký xét tuyển trong một đợt, được điều chỉnh và không giới hạn nguyện vọng. Thời gian đăng ký xét tuyển sẽ bắt đầu từ ngày 5 đến 28-4.

TS nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, những ngành yêu thích nhất đặt lên trước. Vì khi lọc ảo, TS chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất.

Tiến sĩ NGUYỄN QUỐC CHÍNH,Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM

Từ phổ điểm này, Tiến sĩ Chính nhận định: “Phổ điểm thi đợt 1 có dạng phân bố chuẩn và trải rộng, thể hiện khả năng phân loại TS cao, thuận lợi cho công tác xét tuyển”.

Đáng chú ý, mặc dù so với kỳ thi đợt 1 năm 2022, số TS dự thi đợt 1 năm nay tăng hơn 8.000 TS nhưng phổ điểm nhìn chung không nhiều biến động. Thậm chí mức điểm trung bình năm nay còn giảm nhẹ khi chỉ hơn 639 điểm, trong khi năm trước là 646,1 điểm.

Năm nay, toàn kỳ thi có hơn 52.000 TS có điểm thi trên 600. Trong đó, 25.808 TS có điểm thi trên 700, tương đương năm trước. Số TS có điểm thi trên 900 đến 1.000 có 1.700 TS.

Dự kiến từ ngày 14-4, giấy chứng nhận kết quả thi sẽ được gửi đến TS qua đường bưu điện (gửi thư bảo đảm).

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thông tin những TS nào muốn phúc khảo lại bài thi có thể làm đơn gửi về hội đồng tổ chức thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM. Thời gian phúc khảo đợt 1 kéo dài trong ba ngày, từ ngày 5 đến 7-4.

Lệ phí phúc khảo là 45.000 đồng/bài thi. Kết quả phúc khảo sẽ được công bố vào ngày 21-4.

Lưu ý điểm nhận hồ sơ, cách đăng ký xét tuyển

Năm 2023 là năm thứ sáu ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi ĐGNL và đây cũng là đợt thi ghi nhận số lượng TS dự thi cao nhất từ trước tới nay. Không những vậy, theo thống kê, hiện đã có 91 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để tổ chức xét tuyển gồm 86 cơ sở ĐH và năm trường CĐ.

Riêng ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tăng tỉ lệ xét tuyển bằng phương thức ĐGNL lên 45% tổng chỉ tiêu, tức tăng 5% so với năm trước. Trong đó, một số trường xét với chỉ tiêu khá cao như Trường ĐH KHXH&NV 38%-50%, Trường ĐH Khoa học tự nhiên 40%-60%, Trường ĐH Kinh tế - Luật tối đa xét 50% chỉ tiêu…

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường ĐH Tài chính Marketing. Ảnh: NTCC
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường ĐH Tài chính Marketing. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, điểm mới là năm nay nhiều trường không quy định điểm sàn nhận hồ sơ cho phương thức này. Do đó, các trường lưu ý TS khi đăng ký xét tuyển cần tham khảo mức điểm chuẩn của năm trước và điều kiện, chỉ tiêu của từng ngành, từng trường để có sự sắp xếp nguyện vọng phù hợp.

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính Marketing, cho biết với phổ điểm đã được công bố, dự kiến các trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển đối với phương thức xét điểm ĐGNL này trong khoảng 500-650 điểm. Điểm chuẩn cũng sẽ dao động từ 550 điểm trở lên.

Bà Phụng lưu ý sau khi biết điểm thi, các em cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường để cân nhắc có nên thi đợt 2 hay không vì sẽ có những trường chỉ sử dụng kết quả thi đợt 1, có trường sử dụng kết quả thi đợt 2 hoặc có trường sử dụng cả hai đợt thi để xét.

“Nếu em nào cảm thấy điểm thi đợt 1 đã phù hợp năng lực cũng như điểm chuẩn của ngành, trường mình mong muốn vào rồi thì không nên thi tiếp, để tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, cổng đăng ký xét tuyển của ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ mở một đợt duy nhất nên các em dù dự thi đợt 1 hay đợt 2 cũng cần chú ý tham gia đăng ký để tránh tình trạng chỉ dự thi nhưng không xét tuyển” - bà Phụng lưu ý.

Phổ điểm thi đánh giá năng lực đợt 1.
Phổ điểm thi đánh giá năng lực đợt 1.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết với phổ điểm năm nay, trường quy định điểm nhận hồ sơ là 700 cho các ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, marketing, quản trị kinh doanh. Mức điểm 650 cho các ngành kinh doanh quốc tế, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, kế toán. Các ngành còn lại là 600 điểm.

Ông Sơn cũng dự báo điểm chuẩn ĐGNL năm nay của trường cũng sẽ không tăng so với năm ngoái và dự kiến điểm trúng tuyển khoảng 600-750 điểm. Lý do là trường đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh từ 4.100 lên 5.000 và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL lên 10%-15%.

Thi đánh giá năng lực đợt 2 tại bốn tỉnh, TP

Từ ngày 5 đến 28-4, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ bắt đầu mở cổng trực tuyến để TS đăng ký thi đợt 2, cùng thời điểm đăng ký xét tuyển chung cho cả hai đợt.

Kỳ thi đợt 2 sẽ diễn ra vào ngày 28-5 tại bốn tỉnh, TP gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang.

TS có thể dự thi cả hai đợt, kết quả đợt nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm