Xóa tên đảng viên GĐ sở 30 tuổi theo quy định nào?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) vừa có thông báo kết luận về sai phạm của ông Lê Phước Hoài Bảo (con trai ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam giai đoạn 2010-2015), người được bổ nhiệm làm giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, rồi bầu làm tỉnh ủy viên khi mới 30 tuổi. Theo đó, UBKTTƯ yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo.

Đã là đảng viên chính thức, sao lại xóa tên?

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, UBKTTƯ kết luận ông Hoài Bảo đã không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử vào Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2015-2020. Ngoài ra, ông có ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt đảng theo quy định trong thời gian đi học thạc sĩ tại nước ngoài.

Do các vi phạm trên, UBKTTƯ đã yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên đối với ông Bảo. Thông báo của UBKTTƯ không nêu căn cứ vào quy định nào để quyết định hình thức xử lý này.

Đối chiếu Quy định 102 của Bộ Chính trị, mới ban hành giữa tháng trước về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm thì tại khoản 4 Điều 2 quy định về hình thức kỷ luật như sau: Đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

“Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xóa tên trong danh sách đảng viên” - Quy định 102 nêu rõ.

Theo lời văn này thì hình thức xóa tên trong danh sách đảng viên chỉ áp dụng với đảng viên dự bị.

Trường hợp ông Hoài Bảo, theo tài liệu mà Pháp Luật TP.HCM nắm được thì ông Bảo được kết nạp Đảng tháng 11-2008, được công nhận chính thức một năm sau đó, tháng 11-2009. Giai đoạn này, ông Bảo công tác tại Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và sinh hoạt tại Đảng bộ huyện Đại Lộc.

Còn sai phạm của ông Hoài Bảo theo thông báo của UBKTTƯ cũng như giải thích trên báo chí của ông Lê Phước Thanh là ở giai đoạn sau. Cụ thể là bỏ sinh hoạt đảng khi đi học thạc sĩ ở nước ngoài và không trung thực khi kê khai hồ sơ ứng cử ở Đại hội Đảng bộ tỉnh cuối năm 2015.

Ông Lê Phước Hoài Bảo (giữa), được bổ nhiệm giám đốc Sở khi 30 tuổi. Ảnh: Sở KH&ĐT Quảng Nam

Áp dụng văn bản có giá trị cao hơn

Dư luận thắc mắc: Sai phạm của ông Hoài Bảo xảy ra khi đã được công nhận đảng viên chính thức như vậy thì làm sao có thể áp dụng Quy định 102 để xóa tên trong danh sách đảng viên vốn chỉ được áp dụng với đảng viên dự bị?

Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên UBKTTƯ, cho rằng căn cứ để xử lý kỷ luật đảng có nhiều văn bản chứ không chỉ Quy định 102/2017. Chẳng hạn, trường hợp này cần áp dụng Điều lệ đảng cũng như Quy định 29 của BCH Trung ương, ban hành tháng 7-2016 về thi hành Điều lệ đảng.

Ông Phạm Đức Tiến, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu của UBKTTƯ, cũng nhận định như vậy: “Điều lệ đảng và Quy định 29 quy định rất rõ về trường hợp xóa tên đảng viên, không phân biệt đảng viên dự bị hay chính thức. Hai văn bản này cũng có hiệu lực cao hơn so với Quy định 102 của Bộ Chính trị. Vậy nên căn cứ vào đó mà thực hiện”.

Đối chiếu Điều lệ đảng và Quy định 29 thì thấy cả hai văn bản này đều quy định rõ: Ðảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xóa tên trong danh sách đảng viên.

Như vậy, trường hợp ông Hoài Bảo không sinh hoạt đảng nhiều tháng khi đi du học nước ngoài từ những năm 2010-2012, nay bị UBKTTƯ yêu cầu xóa tên trong danh sách đảng viên là có căn cứ.

Năm trường hợp xóa tên trong danh sách đảng viên

Chi bộ xem xét, đề nghị cấp ủy có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên đối với các trường hợp sau:

- Đảng viên bỏ sinh hoạt đảng hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng;

- Đảng viên tự ý trả thẻ đảng viên hoặc tự hủy thẻ đảng viên;

- Đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục nhưng sau thời gian 12 tháng phấn đấu không tiến bộ;

- Đảng viên hai năm liền vi phạm tư cách đảng viên;

- Đảng viên không đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Chính trị.

(Theo Quy định 29 ngày 25-7-2016 của BCH Trung ương  về thi hành Điều lệ đảng)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm