Cần “nhạc trưởng” cho du lịch ĐBSCL

Phát biểu đầu tiên tại hội thảo Liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày 26-3, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn đã thẳng thắn nhìn nhận: “Nhiều năm qua ĐBSCL đã tổ chức nhiều hội thảo về du lịch, vấn đề xây dựng sản phẩm đặc trưng du lịch cho ĐBSCL đã được bàn nhiều nhưng các sản phẩm hầu hết chỉ dừng ở hội nghị hội thảo”.

Chất lượng du lịch kém

Theo Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, sự phát triển du lịch của ĐBSCL thời gian qua chưa tương xứng tiềm năng, khách du lịch quốc tế đến với khu vực này còn hạn chế. Bên cạnh đó, thời gian lưu trú của khách ngắn, sản phẩm du lịch trùng lặp kém sức cạnh tranh, giá trị hấp dẫn thấp dẫn tới hiệu quả du lịch thấp.

“Tham khảo tour du lịch của các tỉnh thấy cách khai thác tiềm năng như nhau. Đến với Tiền Giang gặp tour về với ĐBSCL, sang Bến Tre chỉ cách có một dòng sông lại gặp du thuyền trên sông Mekong. Đến Vĩnh Long thì vẫn là về miền văn minh sông nước, nhà vườn. Rồi sang Cần Thơ cũng cách một con sông cũng lại tiếp tục du lịch sông nước và du lịch nhà vườn. Với những chuyến đi và các sản phẩm du lịch giống nhau như vậy thì chắc chắn du khách chỉ đi một lần và sẽ không chọn lại tour đó khi đến một tỉnh khác” - ông Tuấn nhận xét.

 
Sản phẩm du lịch của ĐBSCL thường trùng lặp, kém sức cạnh tranh. Ảnh: HTD

Đồng quan điểm với thứ trưởng, ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang, cũng thẳng thắn cho rằng: “Chúng tôi cũng đang loay hoay làm sao giữ chân du khách, để du khách xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi có nhiều tài nguyên nhưng chất lượng du lịch còn kém lắm… cũng từng đề ra kế hoạch, năm nào cũng ngồi bàn hai lần nát nước hết nhưng cuối cùng, tôi về suy nghĩ vẫn loay hoay trong vùng đồng bằng, chưa có đầu ra như mong muốn”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng sản phẩm du lịch phải là một sự đồng bộ gồm cả tài nguyên, hạ tầng và dịch vụ. Tuy nhiên, tại ĐBSCL chưa có một sản phẩm du lịch nào có được sự đồng bộ như vậy nên tính hấp dẫn thấp. Nếu các địa phương đưa ra được sản phẩm du lịch đặc thù, sau đó phải kết nối như thế nào để du khách đến mỗi địa phương là một trải nghiệm.

Cần một “nhạc trưởng”

PGS-TS Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) đánh giá ở ĐBSCL mô hình liên kết du lịch chưa có, vai trò “nhạc trưởng” chưa thấy, Hiệp hội Du lịch vùng dù có nhưng chưa đủ mạnh. “Muốn phát triển, các tỉnh cần phải lập ngay đề án về phát triển sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL, xác định mô hình liên kết nội vùng và vùng khác, đặc biệt là TP.HCM và sau đó là chương trình hành động cụ thể. Cuối cùng là “nhạc trưởng” phải kết nối các chủ thể này. Vai trò của Hiệp hội Du lịch vùng phải mạnh hơn nữa” - PGS Lương lưu ý.

Còn đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Đồng Tháp thì cho rằng giải pháp để tháo gỡ vấn đề là nên tổ chức điều tra, phân tích đánh giá tổng hợp tiềm năng của vùng để cái nào xây dựng tầm quốc gia, cái nào tầm vùng thì làm. “Theo tôi, vấn đề là “nhạc trưởng” là ai, điều khiển bản nhạc nào và công cụ nào để điều khiển” - vị này nói.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng trong thời gian tới sẽ khắc phục nhanh các vấn đề lợi ích và trách nhiệm của các bên tham gia, kế hoạch lộ trình và chương trình hành động cụ thể và mô hình cơ chế điều phối vùng - “nhạc trưởng”. “Không có người chỉ huy, giám sát thì thất bại là chắc chắn rồi. Trong ba tháng tới, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch sẽ xây dựng ngay đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cụ thể là gì, mô hình giải pháp như thế nào, lợi ích sao… Đồng thời sẽ xem xét thành lập ban điều phối phát triển du lịch vùng làm “nhạc trưởng” duy trì theo dõi thường xuyên việc phát triển du lịch của vùng” - ông Tuấn cho hay.

NHẪN NAM

 
1,6 triệu là số lượt khách quốc tế đến vùng ĐBSCL trong năm 2013, bằng 8,3% tổng lượng khách du lịch quốc tế đi lại trong nước. Đồng thời có 9,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng 5,8% tổng lượng khách du lịch nội địa. Tổng thu nhập từ du lịch của vùng đạt 5,1 tỉ đồng, bằng 2,7% tổng thu du lịch cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm