Khổ vì thi hành án giao nhà mà quên giao đất

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mơi (70 tuổi, ngụ huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) thở dài, bảo mình đã đeo đuổi vụ việc từ khi ông mới ngoài 40 tuổi, tới nay đã 30 năm qua rồi nhưng vẫn chưa đòi lại được đất.

Cưỡng chế giao nhà, không giao đất

Ông Mơi kể năm 1986 ông khởi kiện ông CQM ra TAND tỉnh Tây Ninh để đòi lại nhà và đất ở thị trấn Trảng Bàng. Tháng 9-1994, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên buộc ông M. phải trả lại nhà và đất cho ông với tổng diện tích gần 430 m2.

tháng 8-1995, Cơ quan Thi hành án (THA) dân sự tỉnh Tây Ninh tiến hành cưỡng chế và giao cho ông Mơi căn nhà nhưng lại chưa giao đất. Ông Mơi kể trong buổi cưỡng chế đó, đoàn cưỡng chế không đo ranh để giao đất cho ông chỉ vì cán bộ địa chính vắng mặt đột xuất. Chấp hành viên bèn hẹn ít bữa sau sẽ xuống cưỡng chế giao nốt đất cho ông nhưng vị này không may sau đó bị bệnh nặng rồi mất. Kể từ đó, Cơ quan THA dân sự tỉnh “quên” luôn việc cưỡng chế giao đất cho ông. “Tôi khiếu nại mãi thì tháng 7-2003, Cơ quan THA dân sự tỉnh Tây Ninh mới ủy thác cho Đội THA dân sự huyện Trảng Bàng tiếp tục giao đất cho tôi” - ông Mơi nói.

Quá trình THA sau đó, Đội THA dân sự huyện Trảng Bàng (nay là Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bàng) vẫn giao thiếu 213 m2 đất cho ông Mơi vì lúc này đã không còn đất để giao nữa. Theo Đội THA huyện, năm 2003 Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh đã cấp giấy đỏ cho hai hộ dân chồng lên phần đất của ông Mơi.

Cơ quan thi hành án dân sự chỉ giao mỗi căn nhà cho ông Mơi mà quên giao đất. Ảnh: N.NGA

Thi hành án bó tay, trả lại đơn

Sau đó, Đội THA dân sự huyện Trảng Bàng kiến nghị Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh thu hồi giấy đỏ cấp cho hai hộ dân nhưng cả UBND huyện lẫn Sở Xây dựng tỉnh đều không đồng ý, khẳng định cấp đúng. Tháng 10-2011, ông Mơi phát hiện hai hộ này làm thủ tục bán đất cho người khác. Để tránh vụ việc thêm phức tạp, ông làm đơn xin ngăn chặn nhưng không được chấp nhận và đến nay người mua đất đã xây nhà trên đó.

Rất nhiều lần các cơ quan, ban ngành của tỉnh Tây Ninh đưa vụ việc ra họp bàn nhưng không có hướng giải quyết. Cuối cùng, Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bàng đã trả lại đơn yêu cầu THA cho ông Mơi với lý do không còn đất để giao. Ông Mơi khiếu nại thì Cục THA dân sự tỉnh rút hồ sơ lên giải quyết và vận động ông rút đơn nhưng ông không đồng ý.

Lỗi đo đạc của tòa hay do thi hành án chậm?

Cho rằng thẩm phán tòa mình đo đạc sai khi giải quyết vụ kiện, năm 2015 chánh án TAND tỉnh Tây Ninh có công văn đề nghị TAND Tối cao kháng nghị tái thẩm. Đáp lại, TAND Tối cao khẳng định đã hết thời hiệu giám đốc thẩm, còn tái thẩm thì TAND Tối cao không chấp nhận các căn cứ mà TAND tỉnh Tây Ninh nêu. Cạnh đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cũng khẳng định bản án phúc thẩm xử đúng.

Trao đổi, Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh Bùi Đức Xuân nói: “Chúng tôi thừa nhận thẩm phán đo nhầm nên mới kiến nghị cấp trên xem xét”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi căn cứ vào đâu mà TAND tỉnh Tây Ninh khẳng định thẩm phán đo nhầm, tòa phúc thẩm xử sai diện tích, ông Xuân từ chối trả lời, nói: “Tôi đang rất bận, PV tự về nghiên cứu hồ sơ đi”.

Ông Thành Văn Trạc, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Ban Chỉ đạo THA dân sự tỉnh giao TAND tỉnh Tây Ninh xem xét và vừa qua tòa tiếp tục gửi công văn tới tòa phúc thẩm nhưng chưa nhận được phản hồi. Tôi cũng muốn thi hành cho xong nhưng bản án tuyên không đúng hiện trạng nên không có đất để giao cho ông Mơi”. Chúng tôi đặt vấn đề về việc ban đầu chấp hành viên chỉ cưỡng chế giao nhà, sau đó cơ quan THA dân sự tỉnh bỏ lơ việc cưỡng chế giao đất mới dẫn đến hậu quả là khi cơ quan THA dân sự huyện vào cuộc thì đất đã được cấp cho hai hộ dân khác. Lúc này ông Trạc nói: “Tôi sẽ xem lại và trả lời sau. Nếu nói lỗi thuộc trách nhiệm của tòa án, cơ quan THA và UBND thì cũng có một phần đúng”.

Để làm rõ có hay không việc địa phương cấp giấy đỏ chồng lấn đất của ông Mơi cho người khác, chúng tôi đã liên hệ UBND huyện Trảng Bàng và Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh. Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng Trần Văn Minh (trước kia là trưởng Phòng Địa chính huyện) từ chối làm việc, đề nghị chúng tôi gặp Sở Xây dựng vì “hồ sơ đã chuyển lên đó”. Còn Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Minh cho biết “vụ này do những người trước làm”, ông mới về sở công tác được hai năm nên không nắm rõ, không trả lời được các câu hỏi của PV.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Làm rõ lỗi để quy trách nhiệm bồi thường

TAND Tối cao đã kết luận không còn thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, cũng không có căn cứ tái thẩm. Như vậy, về nguyên tắc thì bản án phúc thẩm phải được thi hành. Tuy nhiên, việc giao đất cho ông Mơi theo bản án rất khó thực hiện khi hai hộ dân được cấp giấy đỏ diện tích mà cơ quan THA dân sự cho rằng chồng lấn đất của ông Mơi đã bán đất cho người khác và người này đã cất nhà trên đó.

Theo tôi, ông Mơi phải được các cơ quan có trách nhiệm liên quan bồi thường giá trị 213 m2 đất bị giao thiếu hoặc bồi thường bằng một thửa đất tương đương. Trước mắt, có thể xác định một phần lỗi thuộc về cơ quan THA dân sự tỉnh vì suốt tám năm không cưỡng chế giao đất, dẫn đến hậu quả là sau này không còn đất để giao vì địa phương cấp cho người khác. Cạnh đó, cũng phải xem xét trách nhiệm của Sở Xây dựng tỉnh về việc cấp giấy đỏ cho hai hộ dân kia đúng hay sai, có chồng lấn đất của ông Mơi không... Các cơ quan nhà nước phải nhanh chóng giải quyết hậu quả chứ không được đùn đẩy, bỏ mặc người dân.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...