Singapore 'lãi to' sau khi tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim

Theo Straits Times, Singapore chi ra khoảng 15 triệu USD dành cho việc đăng cai hội nghị lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un, trong đó một nửa số tiền thuộc về công tác đảm bảo an ninh.

Chi phí dành cho truyền thông ước tính chưa đến 3,7 triệu USD, bao gồm việc thiết lập trung tâm báo chí quốc tế dành cho khoảng 2.500 PV tác nghiệp. Chính phủ Singapore không hé lộ các khoản chi khác.

Ông Kim và ông Trump sau lễ ký tuyên bố chung ngày 12-6. Ảnh: Straits Times

Đổi lại, Singapore được nhắc đến và xuất hiện trên khắp truyền thông thế giới, trong đó có hình ảnh vịnh Marina, nơi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ ghé thăm vào tối 11-6.

Công ty thông tin truyền thông Meltwater ước tính giá trị quảng cáo, dựa vào tần suất xuất hiện của Singapore trên truyền thông trực tuyến trong ba ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim lưu lại, lên tới 200 triệu USD. Nếu tính luôn hiệu ứng truyền thông từ tháng trước, giá trị quảng cáo có thể nhảy vọt lên tới 570 triệu USD.

Con số này còn có thể cao hơn nếu tính cả giá trị thu về từ báo giấy, truyền hình hay mạng xã hội.

Từ trái sang: Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishman, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye Kung tham quan Công viên Gardens by the Bay (Singapore) tối 11-6. Ảnh: TWITTER

Đặc biệt, các khách sạn của Singapore thu hút nhiều sự quan tâm nhất. Khoảng hơn 20.000 bài báo trên mạng có nhắc tới khách sạn Capella trên đảo Sentosa, nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa hai lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Các khách sạn mà ông Trump và ông Kim lưu lại là Shangri-La và St Regis cũng có số lần được nhắc đến tương ứng 1/5 con số trên.

Đoàn tháp tùng ông Kim Jong-un tối 11-6. Ảnh: Straits Times

Bên cạnh đó, Singapore còn ước tính thu về ít nhất hơn 5 triệu USD từ du lịch, theo ông Michael Chiam, giảng viên cao cấp Học viện Ngee Ann Polytechnic. Ông đưa ra con số này dựa trên tính toán khoảng 4.000 PV và nhân viên an ninh chi trung bình 500 USD một ngày, bao gồm chỗ ăn ở.

Tuy nhiên, ông Lucas Tok, giảng viên về bán lẻ và marketing, Trường Polytechnic Singapore, cho hay nguồn doanh thu ngắn hạn trên có thể bị mất cân đối bởi lượng du khách hao hụt vì những bất tiện trong thời gian diễn ra hội nghị. Thực tế, các biện pháp an ninh được thắt chặt trên đảo Sentosa và khu vực Orchard đã khiến một số tiểu thương, người dân và du khách không thể tiếp cận.

Khách sạn St Regis.

Dẫu vậy, các nhà phân tích vẫn lạc quan về những lợi ích lâu dài đối với Singapore sau khi trở thành nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh thế kỷ. "Singapore ở đâu?" là một trong những câu hỏi được hỏi nhiều nhất trên Google, cho thấy nhu cầu tìm hiểu về quốc đảo gia tăng.

"Thông thường, sau khi một nơi thu hút được sự quan tâm, lượng du khách có xu hướng tăng lên trong vài tháng sau đó" - ông Tok nói.

Khách sạn Shangri-La.

Ông Nicholas Fang, Giám đốc an ninh và vấn đề toàn cầu tại Viện Quan hệ quốc tế Singapore, đánh giá sự kiện lịch sử trên đã góp phần thúc đẩy thương hiệu của Singapore trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

“Thực tế một quốc gia nhỏ như Singapore có thể trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu suốt nhiều ngày sẽ không gây hại gì đến thương hiệu Singapore mà còn mang lại lợi ích cho các công ty và cá nhân Singapore trên trường quốc tế” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm