Ồ ạt xuất bản sách hết thời hạn tác quyền

Đây là cơ hội để các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách “đầu cơ” xuất bản các tác phẩm kinh điển mà không mất đồng phí tác quyền nào cho tác giả.

Theo Công ước Berne, sách sẽ hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả sau 50 năm hoặc 70 năm (tùy theo quy định cụ thể của từng quốc gia) kể từ ngày tác giả mất.

Mỏ vàng cho nhà xuất bản

Tinh hoa văn họcVăn học cổ điển là hai dự án phát hành lại những tác phẩm văn học kinh điển đã hết thời hạn bảo hộ tác quyền theo Công ước Berne lớn nhất thời gian qua.

Tủ sách Tinh hoa văn học của Công ty Sách Phương Nam do nhà giáo, nhà văn Nhật Chiêu phụ trách khâu tổ chức nội dung, chọn lọc tác phẩm. Tủ sách này tập trung giới thiệu các kiệt tác của văn hào thế giới, các tác phẩm kinh điển và hiện đại có ảnh hưởng đến văn học thế giới: Thất lạc cõi người Tà dương (Dazai Osamu); Bản Sonat Kreutzer (Lev Tolstoy), Con cú mù (Sadegh Hedayat), Cô gái đồng trinh và chàng du tử (D.H. Lawrence), Nỗi lòng (Natsume Soseki)…

Ồ ạt xuất bản sách hết thời hạn tác quyền ảnh 1

Tác phẩm Sans famille(Hector Malot) với nhiều phiên bản Việt ngữ: Không gia đình, Vô gia đình... Ảnh: QT

Công ty Văn hóa Đông A thực hiện tủ sách Văn học cổ điển (Dong A Classics) với việc phát hành 26 tác phẩm văn học từng giành những giải thưởng văn học của thế giới như: Lớn lên trên đảo vắng (Johann David Wyss), Đảo giấu vàng (Robert Louis Stevenson), Không gia đình (Hector Malot), Ngựa ô yêu dấu (Anna Sewell), Tom Sawyer (Mark Twain)…

Bên cạnh hai tủ sách này, các nhà xuất bản và các trang mạng phát hành sách điện tử (e-book) cũng tranh thủ hết thời hạn bảo hộ tác quyền để xuất bản các tác phẩm này. Tác phẩm hết thời hạn tác quyền là mỏ vàng cho nhà xuất bản. Thế nhưng cũng từ mỏ vàng này, khi nhiều đơn vị cùng khai thác thì dễ dàng xảy ra tranh chấp, bởi với các tác phẩm này, ngoài tác quyền tác giả thì còn có tác quyền của dịch giả.

Cụ thể là trường hợp tác phẩm Nỗi lòng của nhà văn Natsume Soseki. Khi xuất bản ở Việt Nam thì vướng phần tác quyền dịch giả. Nỗi lòng là tác phẩm dịch chung của dịch giả Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh. Hai dịch giả đã cho phép sử dụng tác phẩm dịch Nỗi lòng của mình cho hai công ty phát hành sách khác nhau là Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và Công ty Sách Phương Nam. Sau khi Nỗi lòng được xuất bản trong tủ sách Tinh hoa văn học của Phương Nam, Nhã Nam mới té ngửa và đành phải hủy dự án phát hành Nỗi lòng của mình.

Độc giả chịu thiệt

Các tác phẩm hết hạn tác quyền hầu hết đều là những tác phẩm văn học kinh điển, có giá trị thẩm mỹ cao. Việc xuất bản các tác phẩm này cũng giúp bạn đọc tiếp xúc được tinh hoa văn hóa của thế giới. Thế nhưng khi các nhà xuất bản ồ ạt phát hành loại tác phẩm này độc giả sẽ rối và khó khăn trong việc chọn lựa tác phẩm dịch nào chất lượng.

Gần đây nhất, với tác phẩm The Railway Children (Edith Nesbit), Nhã Nam xuất bản bản dịch của dịch giả Nguyễn Tâm với tựa Lũ trẻ đường tàu còn Đông A lại sử dụng bản dịch của dịch giả Đăng Thư với tựa Lũ trẻ đường ray. Rồi tác phẩm L’Étranger (Albert Camus) mang các tựa: Kẻ xa lạ, Người xa lạ, Người dưng

Khi bước chân vào kệ sách, chỉ một tác phẩm mà hàng loạt phiên bản na ná nhau với các dịch giả, nhà xuất bản khác nhau thì độc giả chẳng khác nào bị đánh đố. Nếu độc giả không biết gì về tác phẩm gốc thì càng dễ nhầm tưởng đây là những tác phẩm khác nhau, chưa kể nhiều sách được xuất bản với tựa và thiết kế rất khác nhau .

Tuy thế, bà Quách Thu Nguyệt (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ) lại không lo lắng lắm về việc đánh đố bạn đọc: “Một tác phẩm nhiều người dịch sẽ thêm chọn lựa cho độc giả. Bạn đọc thừa thông minh để biết uy tín của dịch giả, nhà xuất bản để chọn bản dịch nào tốt cho họ. Điển hình là tác phẩm Lụa (Alessandro Baricco) có rất nhiều nơi phát hành nhưng độc giả luôn tìm kiếm bản dịch của dịch giả Quế Sơn để đọc. Tôi cho rằng đây là cơ hội để những nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách chọn lựa dịch giả để tạo uy tín cho thương hiệu của mình”.

Đắc nhân tâm hết hạn tác quyền hay chưa?

Nhà văn, nhà thuyết trình Dale Carnegie (Mỹ), tác giả của tác phẩm How to Win Friends and Influence People (tựa Việt làĐắc nhân tâm) mất năm 1955. Từ đó đến nay đã 58 năm, nếu tính theo Công ước Berne thì tác phẩm đã hết hạn bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, Dale Carnegie là nhà văn người Mỹ nên ngoài Công ước Berne thì sẽ áp dụng thêm quy định của Đạo luật bản quyền mở rộng Sonny Bono của Mỹ. Theo đạo luật này thì thời hạn bảo hộ tác quyền là cuộc đời tác giả và 70 năm sau khi tác giả qua đời. Nếu chiếu theo luật Sonny Bono thì tác phẩm How to Win Friends and Influence People thời hạn bảo hộ tác quyền sẽ là 70 năm (tức đến năm 2025 mới hết hạn bảo hộ).

Nhà xuất bản Simon Shuster là đơn vị đang nắm giữ bản quyền tác phẩm này tại Mỹ và họ chỉ bán bản quyền duy nhất cho First New. Thế nhưng ở Việt Nam, rất nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách “giả lơ” yếu tố còn hạn tác quyền theo luật Sonny Bono để ngang nhiên vi phạm.

_________________________________________

Tác phẩm Le Petit Prince (Saint-Exupéry) được xuất bản với đủ tựa: Hoàng tử bé, Cậu hoàng con, Ông hoàng nhỏ, Em bé con nhà trời, Chú bé hoàng tử… với các dịch giả: Bùi Giáng, Châu Diên, Vĩnh Lạc, Trần Thiện Đạo, Trần Nhất Định, Nguyễn Tấn Đại, Nguyễn Thành Long…

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm