Tiếp tục tranh cãi ai là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông gồm chín tập do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Sử học Việt Nam biên soạn đã bị họ Trần Việt Nam phản ứng vì cho rằng có một nhân vật hư cấu, không hề có thật.

Cụ thể, trong tập 3, giai đoạn từ thế kỷ X đến năm 1593 (do PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên) phần viết về nhà Trần (1225-1400) có chi tiết bị họ Trần phản ứng là nhân vật cha ruột của thái sư Trần Thủ Độ.

Tiếp đó, tác giả của cuốn sách, PGS-TS Nguyễn Minh Tường đã gửi thư ngỏ bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề trên. Ông viết: "Nếu như ai đó có những tư liệu mới, chứng cứ đủ thuyết phục về người cha của Thái sư Trần Thủ Độ, tôi sẽ tiếp thu kết quả nghiên cứu mới đó và sẵn sàng từ bỏ nhận định nói trên của mình. Điều đó xảy ra khi sách Lịch sử phổ thông tập III được tái bản. Khi đó chúng tôi sẽ chỉnh sửa cho đúng với thực tế lịch sử Việt Nam vào đầu thế kỷ VIII”.

Phản hồi về ý kiến này, Đại tá Trần Nguyên Trung, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Hậu Cần (Bộ Quốc phòng), cho hay các tài liệu chính sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, An Nam chí lược… đều nói rõ Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ nhỏ và ở với bác ruột là Trần Lý;  Gia phả Trần Ích Tắc, sách Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như các tư liệu lịch sử thời kỳ nhà Trần chưa hề nói cụ Trần Lý có em trai và cũng chưa hề nhắc đến nhân vật lịch sử nào có tên Trần Hoằng Nghị được phong vương.

Bìa cuốn sách có nội dung về thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ gây ra nhiều tranh cãi. 

"Việc đưa một nhân vật không rõ tông tích vào quốc sử làm cho tông phả họ Trần bị xuyên tạc, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân và uy tín quốc gia, gây hệ lụy lớn cho thế hệ trẻ vì sự méo mó, biến dạng của lịch sử Việt Nam", ông Trung nêu ý kiến.

Trong tài liệu và thư ngỏ gửi tới báo Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Minh Tường tiếp tục lý giải việc đưa thông tin Trần Hoằng Nghị là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ đã được ông tham khảo nhiều tài liệu, trong đó có sách: Thuyết Trần- sử nhà Trần; Nhà Trần và con người thời Trần; Hoằng Nghị Đại Vương và việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử- văn hóa Phương La…

Qua đó, PGS-TS Nguyễn Minh Tường cho hay: "Chân lý lịch sử bao giờ cũng ở phía trước của các nhà sử học… Vì ghi chép lịch sử là công việc chủ quan của nhà sử học, cho nên mặc dù cùng sử dụng một nguồn tư liệu lịch sử, nhưng mỗi nhà sử học có thể rút ra kết luận của riêng mình, nhiều khi trái ngược hoàn toàn với nhau".

Trước đó, ngày 26-6, Giám đốc- Viện trưởng Viện Sử học Đinh Quang Hải đã có văn bản báo cáo giải trình gửi Viện Hàn lâm. Theo đó, ông Hải nêu những khó khăn trong việc tìm kiếm lai lịch của một danh nhân lịch sử triều Trần (tức Trần Thủ Độ - PV) sống cách đây 800 năm là một điều không hề đơn giản, đòi hỏi các nhà khoa học phải đặt ra rất nhiều giả thuyết khác nhau. Ông cho rằng, việc đưa ra kết luận thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị chỉ là một giả thuyết khoa học, chưa phải là kết luận cuối cùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm