“Một bộ phận thầy cô ngộ nhận về quyền lực của mình”

Tại buổi hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa học đường đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập” tổ chức tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, GS-TS Trần Ngọc Thêm cho biết xã hội và kinh tế đã thay đổi nhưng mục tiêu giáo dục, triết lý giáo dục trên thực tế vẫn giữ nguyên, kết quả văn hóa học đường trên thực tế về cơ bản vẫn không thay đổi. Sự xung đột nghiêm trọng này là nguyên nhân dẫn đến những “sự cố giáo dục” đang xảy ra ngày càng nhiều trong văn hóa học đường.

GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM phát biểu tại hội thảo. ẢNH: NGUYỄN QUYÊN

Việc quá đề cao vai trò của thầy dẫn đến hệ quả là một bộ phận thầy cô ngộ nhận về quyền lực của mình, dẫn đến những hiện tượng quái đán như trường hợp cô giáo lớp 11 ở huyện Nhà Bè không nói suốt ba tháng đứng lớp, cô giáo lớp 3 ở Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng..

Ông Thêm dẫn chứng mục tiêu đi học trên thực tế về cơ bản vẫn là thi đỗ lấy bằng, có được địa vị cao trong xã hội. Để đáp ứng nhu cầu này của xã hội, để có nhiều trò thi đỗ, điểm cao, thầy cô nhồi nhét kiến thức. Hệ quả, bệnh thành tích lan tràn, việc dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn, học trò chịu áp lực lớn, học sinh giỏi vẫn nhảy lầu tự tử. Bệnh giả dối cũng lan tràn với vấn nạn học giả bằng thật.

Mặt khác cũng theo ông Thêm, để có được địa vị cao trong xã hội, học sinh đua nhau học lên: Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, có tới hơn 75% thí sinh tốt nghiệp phổ thông dự thi để đăng ký xét tuyển ĐH (trong khi vào những năm 80, số học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục ĐH ở Mỹ là 45%, Nhật 38%, Pháp 25%, Đức 19%.  Hệ quả là trong đội quân thất nghiệp ở Việt Nam, thanh niên và người có trình độ cao chiếm một số lượng lớn (năm 2017, 200.000 cử nhân thất nghiệp).

Bên cạnh đó, ông Thêm cũng bày tỏ hiện triết lý giáo dục ở ta cơ bản vẫn là “con ngoan trò giỏi”. Hướng đến “ngoan” theo nghĩa “vâng lời” cho nên tại các bậc học, tư duy phản biện không được khuyến khích. Hướng đến “giỏi’ theo nghĩa “thuộc bài’ vì thế sách giáo khoa ở mọi cấp từ phổ thông đến ĐH luôn được biên soạn ngắn gọn để có thể học thuộc lòng. Mọi đề thi kể cả tự luận từ phổ thông cho đến ĐH đều phải có sẵn đáp án đính kèm. Mọi sáng tạo độc đáo khác với đáp án thường bị cho điểm thấp.

Ông Thêm cũng cho hay phương pháp lấy thầy làm trung tâm vẫn ngự trị tuyệt đối ở bậc phổ thông và chiếm ưu thế trên thực tế ở bậc ĐH. Mô hình trường học VNEN áp dụng phương pháp “lấy trò làm trung tâm” trên thực tế là biểu diễn theo kịch bản dựng sẵn nên đã bị hàng loạt tỉnh, thành tẩy chay, thất bại... Mặt khác, "lò ấp tiến sĩ" cũng chính từ hệ lụy lấy thầy là trung tâm.

“Việc quá đề cao vai trò của người thầy đã dẫn đến hệ quả là quan niệm coi nghề giáo là nghề cao quý xung đột sâu sắc với thực tế là nghề giáo có thu nhập vào loại thấp nhất (cái này có lẽ GS-TSKH Trần Ngọc Thêm nhầm, bởi trên thực tế thu nhập của nghề giáo không hề thấp so với mặt bằng chung của xã hội - tòa soạn PLO) những người “chuột chạy cùng sào” có điểm thấp nhấp thì vào sư phạm hoặc vào sư phạm cốt để được miễn học phí. Và hệ quả nhiều hiện tượng giáo dục không đẹp đã xảy ra trong thời gian qua” - ông Thêm nhấn mạnh.

Để khắc phục những vấn đề nổi cộm của văn hóa học đường Việt Nam, theo ông Thêm, cần phải có một giải pháp tổng thể để giải quyết những vấn đề nổi cộm trên như xác định rõ thực trạng và những gì đang diễn ra trong xã hội. Những thay đổi này đòi hỏi một cách nhìn mới về các quan hệ trong văn hóa học đường. Thứ hai là cần xây dựng triết lý giáo dục phù hợp với giai đoạn hiện tại của Việt Nam trên cơ sở khắc phục những khuyết điểm của triết lý giáo dục truyền thống….

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm