Hỏa xa quê ta và bài ca về tuyến đường sắt già

Để rồi nằm lúc lắc, đủng đỉnh theo tiếng lắc lư của con tàu ghé đến những ga xép trong đêm, nghe tiếng còi tàu thúc giục hay chậm rãi u buồn, tôi chợt cảm thông những con tàu và những thanh tà vẹt của đường ray thiên lý Bắc-Nam sống mòn theo năm tháng.

Sài Gòn có hân hạnh gióng trống mở đầu lịch sử đường sắt vào năm 1885 với chuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho. Sau đó các ông Tây cà lồ thấy cần phải khuếch trương đường xe lửa để chở hàng cho nhanh và đánh dân Việt Nam đang vùng dậy cho lẹ nên tiếp tục xây dựng các tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng (năm 1902), Hà Nội-Lào Cai (năm 1906)… Nhờ xây mấy tuyến đường này mà hiện nay thủ đô ta có được nhà ga Hàng Cỏ hoành tráng.

Phải nhắc lại thời gian ấy muốn đi từ Nam ra Bắc người Việt chỉ có leo lên thuyền đưa người qua sông hoặc ngồi chồm hổm trên xe ngựa, hoặc đi bộ rạc cẳng, thúi móng chân. Vì địa thế hiểm nghèo đường bộ đầy quan san cách trở, diệu vợi từng bước chân đi, vượt qua sông ngòi rộng lớn chỉ thấy ác là, chim cú. Năm 1897, một trận bão ác liệt đã tàn phá hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị mà hàng tấn hàng cứu trợ chỉ đến Đà Nẵng và nằm ở đó chờ ngày bốc mùi thúi khẳm vì đường bộ đã hư hỏng nặng. Từ hậu quả tai hại của nạn đói sau cơn bão cũng như nhu cầu chuyển quân thần tốc đã thúc đẩy chính quyền Pháp nghiên cứu một con đường sắt xuyên Việt đi từ Hà Nội tới Sài Gòn nối liền các tỉnh của Việt Nam.

Tiếc thay, dù là công trình ước muốn của quan Tây nhưng trời vẫn không chiều lòng, vừa ba năm sau Thế chiến II ùng oành tiếp đến 15 năm trường đì đùng chiến tranh đã biến cả hệ thống hỏa xa thành “ngổn ngang gò đống kéo lên”. Đến khi Hiệp định Geneve được ký kết, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam được hưởng 1.406 km của hệ thống thiết lộ cũ nhưng eo sèo thay khi chỉ khai thác được 908 km từ Đà Nẵng đến Đông Hà và từ Sài Gòn đến Ninh Hòa, còn từ Ninh Hòa đến Đà Nẵng 498 km thì khỏi xài vì hư hỏng quá nặng. Đến năm 1959 đường sắt xuyên Việt Sài Gòn-Đông Hà và vĩ tuyến 17 được phục hồi bằng lễ khánh thành tại ga An Tân (Quảng Ngãi).

Trong thời gian này, miền Bắc cũng khôi phục lại hệ thống đường sắt cũ và quan trọng là tuyến đường sắt xuôi Nam từ Hà Nội đến Vinh. Khi hòa bình được lập lại, quân dân được huy động hì hục khôi phục để rồi ngày 31-12-1976, con đường sắt xuyên Việt được tái lập mang tên Thống Nhất với tổng chiều dài toàn tuyến 1.730 km. Đây là con đường sắt có thể được xếp vào kỷ lục Guinness và là niềm tự hào của Bộ Giao thông khi đoàn tàu cổ lỗ vẫn có thể chạy được trên những đoạn đường ray gần 100 năm tuổi, đến năm 2018 vẫn chưa từng được sửa chữa.

Năm 1936, Tây làm đường sắt với khổ đường là 1 m và sau hơn 100 năm ta vẫn “phát triển” là 1 m, đơn khổ, với đầu máy diesel thế hệ hai lê lết trên đường trong khi thế giới đang ở thế hệ bốn với ray 1,435 m, là ray đôi và đang chuẩn bị sang thế hệ năm. Cái này là lỗi ở Pháp, đã làm thì phải làm đường ray coi sao cho được chứ!

Ngày 7-1-2002, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phan Văn Khải đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020”. 16 năm qua, những thanh tà vẹt vẫn mang nỗi đau bệnh già mà năm 2020 thì đã cận kề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm