Các quan chức từ 28 nước thành viên ARF đã tham dự hội nghị dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn. Đây là hội nghị trù bị cho hội nghị bộ trưởng ARF lần thứ 19 tổ chức vào ngày 13-7 tới tại Phnom Penh.
Chủ đề thảo luận của hội nghị ARF lần này là các phương hướng nâng cao hợp tác về an ninh hàng hải, giải giáp và không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống tội phạm và chủ nghĩa khủng bố quốc tế, cứu trợ thảm họa.
Hội nghị đã tranh luận về các sáng kiến của ARF gồm kế hoạch hành động của ARF về an ninh hàng hải, dự thảo kế hoạch hành động về giải giáp và không phổ biến vũ khí hạt nhân, dự thảo tuyên bố của ARF về hợp tác an ninh thông tin quốc tế, bản phác thảo của ARF về thiết lập trung tâm chia sẻ thông tin về các mối đe dọa xuyên quốc gia.
Phát biểu với báo chí bên lề hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Kao Kim Hourn cho biết hội nghị lần này cũng đã thảo luận về vấn đề biển Đông, tiến triển của quá trình dân chủ hóa ở Myanmar và tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Chiều hôm trước, cuộc đối thoại của các quan chức quốc phòng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF-DOD) đã kết thúc sau hai ngày làm việc. Trong đối thoại, các nước thành viên ARF đã nhất trí nâng cao hợp tác quân sự trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo trong thảm họa và hoạt động gìn giữ hòa bình.
Liên quan đến tình hình biển Đông, Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 26-5 đưa tin từ ngày 16-5, Cục Khí tượng tỉnh Hải Nam đã bắt đầu phát các bản tin dự báo thời tiết ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng), bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là bãi đá Vĩnh Thử).
Cùng ngày, hãng tin GMA News (Philippines) đưa tin Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Sonia Brady làm đại sứ Philippines tại Trung Quốc. Bà từng giữ cương vị này trong năm 2006-2010.
Tân Hoa xã hôm 25-5 có đăng bài xã luận nghi ngờ chính quyền của Tống thống Obama muốn vận động phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLO0) nhằm tìm kiếm khung pháp lý quốc tế để can thiệp vào các vấn đề ở biển Đông và các khu vực biển khác cũng như tăng cường tối đa lợi ích chiến lược về quân sự, kinh tế, chính trị trên thế giới.
LÊ LINH