Huyện Giá Rai là một trong những vùng trồng lúa có diện tích lớn của tỉnh Bạc Liêu. Cách đây vài năm, cống đập Giá Rai được đầu tư ngăn mặn kênh xáng Phó Sinh để đón nước ngọt từ Quản Lộ - Phụng Hiệp. Từ đập Giá Rai nhìn vào, bên phải kênh xáng Phó Sinh là xã Phong Tân thuộc vùng trồng lúa; bên trái là xã Phong Thạnh được chuyển dịch sang nuôi tôm từ năm 2001. Mùa khô năm nay, như nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, huyện Giá Rai cũng gặp đại hạn, vùng trồng lúa Tân Phong cạn khô. UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ trương đóng cống Giá Rai để kéo nước ngọt từ Quản Lộ - Phụng Hiệp về kênh xáng Phó Sinh cứu lúa vụ ba Phong Tân. Nhưng nước ngọt không về, hàng trăm hecta lúa vụ ba ở Phong Tân “chết đứng” và hàng trăm hecta vuông tôm ở Phong Thạnh cũng cạn khô.
Chống mặn: Tôm chết
Năm 2001, UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trương chuyển dịch hơn 2.500 ha đất trồng lúa ở xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai sang nuôi tôm. Đầu tháng 2, trong con nước ròng giáp tết (nước mặn dâng lên cuối năm), UBND huyện Giá Rai đã cho mở cống đập Giá Rai lấy nước mặn vào kênh xáng Phó Sinh để dân nuôi tôm đầu vụ. Nhưng mấy ngày sau, đúng 30 tết, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu chủ trương đóng cống đập Giá Rai, đồng thời cho bơm nước mặn ra sông để kéo nước ngọt từ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp về cứu lúa vụ ba cho xã Phong Tân nằm đối diện qua kênh xáng Phó Sinh. Vậy là gần 2.500 ha nuôi tôm xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai khô kiệt nước, tôm chết đỏ quạch đáy ao, hơn 1.500 ha thiệt hại nặng (trong đó hơn 500 ha thiệt hại hoàn toàn).
Nhiều vùng nuôi tôm ở Bạc Liêu đang khô kiệt nước. Ảnh: H.LỘC
Bà Nguyễn Thị Liễu (ấp 20, xã Phong Thạnh A) có hai ao nuôi tôm công nghiệp rộng gần 3 ha. Sau khi xuống ba đợt tôm giống gần 150 triệu đồng đã bị trắng tay vì thiếu nước mặn. Độ mặn nước trong vuông lên gần 40 phần ngàn do trời nắng gắt. “Độ mặn nước trong đầm tôm chỉ còn cách làm muối” - bà Liễu nói như mếu. Ông Nguyễn Văn Hàn, một người nuôi tôm ở Phong Thạnh A, giọng bất bình: “Con tôm hay cây lúa cũng là giá trị kinh tế nhưng chính quyền ở đây quý lúa hơn tôm”.
Nước mặn ngoài cống đập Giá Rai đầy ắp nhưng trong cống thì cạn đến đáy. Tôm chết đỏ đáy đầm tôm.
Theo ông Mai Chí Tín, Chủ tịch UBND huyện Giá Rai, việc mở cống để giải quyết nước mặn cho vùng chuyển dịch nuôi tôm Phong Thạnh A sẽ được thực hiện trở lại khi lúa gặt xong vụ ba. Nhưng lúa vụ ba trên đồng Phong Tân nhiều chỗ cũng đang chết đứng vì thiếu nước.
Việc đóng cống đập Giá Rai ngăn mặn cứu lúa làm ảnh hưởng đến việc thiếu nước mặn nuôi tôm không chỉ ở xã Phong Thạnh A. Các xã khác của huyện Giá Rai như Phong Thạnh, Tân Thạnh Đông, Phong Thạnh Tây, thị trấn Hộ Phòng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên 50%.
Lúa hay tôm?
Mặc dù Bạc Liêu đã hạn chế lấy nước mặn vào vùng ngọt hóa Quản Lộ - Phụng Hiệp để kéo nước ngọt về nhưng nước ngọt không về. 20.000 ha lúa đông xuân đang khát nước nghiêm trọng. Mặc dù đã đóng các cống ngăn mặn nhưng nước mặn vẫn thâm nhập nội đồng, đe dọa các trà lúa đông xuân. Việc đóng cống ngăn mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến trên 40.000 ha diện tích nuôi tôm khu vực chuyển dịch nuôi trồng thủy sản của Bạc Liêu.
Những cống ngăn mặn hiện tại ở Bạc Liêu không thể ngăn được nước mặn tấn công ngày càng dữ dội. Ảnh: TL (Vietnamnet.vn)
Theo ngành thủy sản Bạc Liêu, hiện có hơn 7.000 ha tôm nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại vì thiếu nước. Nhưng theo ngành nông nghiệp tỉnh này, hiện còn hơn 24.000 ha lúa vụ ba chưa thu hoạch. Nếu lấy nước mặn vào phục vụ nuôi tôm sẽ xảy ra xâm nhập mặn vào vùng lúa.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, băn khoăn: “Tỉnh đang đứng trước bài toán nan giải. Nếu lấy nước mặn cứu tôm vùng chuyển dịch thì có khoảng 12.000 ha lúa giảm năng suất 30%-70%. Nhưng thiếu nước mặn sẽ có khoảng 7.000 ha tôm bị thiệt hại 20%-50%”.
Trả lời cho câu hỏi: “Để cứu lúa, người nuôi tôm ở trong vùng chuyển dịch Giá Rai phải chờ đến khi thu hoạch dứt điểm lúa vụ ba?”, ông Võ Văn Dũng khẳng định: “Tỉnh đã có chủ trương mở các cống đập đưa nước mặn vào những vùng lúa vụ ba bị nhiễm mặn không thể cứu được để cứu tôm nuôi đang thiếu nước”. Ngay sau khi một số diện tích lúa vụ ba thu hoạch xong, Bạc Liêu sẽ mở các đập ngăn mặn còn lại để đưa nước vào cứu khoảng 20.000 ha tôm của huyện Giá Rai.
Không đưa mặn vào kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp Kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp lên đến kênh Nàng Rền của huyện Ngã Năm (Hậu Giang) là đầu nguồn cung cấp nước ngọt cho vùng sản xuất lúa ổn định của tỉnh Bạc Liêu. Do vậy đây là khu vực không được phép đưa nước mặn vào. Khi đưa nước mặn vào các vùng nuôi tôm cần đặc biệt lưu ý đợt triều cường từ biển Tây phía Kiên Giang tràn vào và phải chủ động điều tiết. Không thể mở một số cống lớn dọc quốc lộ 1A trên địa bàn huyện Giá Rai dẫn mặn cho vùng nuôi trồng thủy sản vì sẽ gây nguy cơ mặn xâm nhập từ hai phía biển Đông và Tây. Ông VÕ VĂN DŨNG, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu |
ĐẶNG HUỲNH LỘC