Xâm nhập mặn vẫn theo các cửa sông chính đi sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng trên diện rộng đối với sản xuất của người dân.
Năm 2000, Chính phủ phê duyệt chín hạng mục tiền khả thi của dự án ngọt hóa bắc Bến Tre, trong đó có cống đập Ba Lai.
Dự tính cống đập Ba Lai sẽ phục vụ cho hơn 115.000 ha, trong đó có 88.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản của các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại Châu Thành và thị xã Bến Tre. Tổng đầu tư dự án trên 1.000 tỉ đồng nhằm ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, rửa phèn, cải tạo đất và phục vụ sinh hoạt cho gần 1 triệu dân sống trong vùng dự án. Năm 2002, cống đập hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng tám hạng mục còn lại như cống âu thuyền An Hóa, đê ven sông Hàm Luông, Mỹ Tho, cống tiếp nước… vẫn chưa xây dựng. Do đầu tư không đồng bộ nên số phận cống đập Ba Lai không khác gì âu thuyền Tắc Thủ ở Cà Mau: ngoài mặn và sâu bên trong cũng mặn...
Mặn sâu từ trong nội địa
Mười năm trước, Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư cống đập Ba Lai, cù lao An Hóa nằm giữa sông Ba Lai và sông Tiền chạy qua hai huyện Bình Đại và Châu Thành được quy hoạch là vùng ngọt hóa của dự án ngọt hóa bắc Bến Tre nhưng cống đập Ba Lai đã không phát huy hiệu quả. Hơn 1.000 ha mía theo quy hoạch cung ứng nguyên liệu cho Nhà máy Mía đường Bến Tre, đến gần cuối vụ đất bị nhiễm mặn phải đốn sớm nên chữ đường thấp, bán không được giá. Đất trồng lúa nằm sâu trong nội đồng cũng bị nhiễm mặn vụ ba, phải đầu tư cao nên thu hoạch chỉ đủ hoàn vốn. Trong chương trình khuyến nông cây trồng của vùng ngọt hóa có cả cây xoài nhưng sau hai năm, rễ gặp nước mặn chết khô.
Cống đập Ba Lai tiêu tốn hơn 80 tỉ đồng không phát huy được hiệu quả ngăn mặn. Ảnh: H.LỘC
Cống đập Ba Lai chắn dòng sông Ba Lai cách cửa biển gần 10 km. Nhưng sâu bên trong nội địa sông Ba Lai nối liền với sông Tiền và sông Hàm Luông ăn thông ra biển qua hàng trăm ngõ ngách bao bọc quanh cù lao Bảo gồm TP Bến Tre, các huyện Giồng Trôm, Ba Tri và cù lao An Hóa (Bình Đại, Châu Thành). Ba con sông Hàm Luông, Tiền, Ba Lai nằm dọc gần TP Bến Tre thông với nhau bằng những con sông nằm ngang là Trúc Giang, An Hóa, Giao Hòa. Qua đó có thể hình dung nước mặn theo sông Tiền và Hàm Luông cùng hệ thống sông, kênh, rạch tiến vòng hai bên vào vùng ngọt hóa với tốc độ nhanh hơn trước khi có đập Ba Lai. Từ đó, nước mặn đổ vào sông Ba Lai rồi đi ngược trở ra về phía biển, xâm nhập mặn phía trong đập Ba Lai nên sâu bên trong cống đập Ba Lai bị nhiễm mặn trước khu vực con đập ngăn mặn.
Khơi mặn trong lòng ngọt hóa
Đối với dự án ngọt hóa bắc Bến Tre, các nhà quy hoạch kêu gọi đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hệ thống cống đập để mặn không xâm nhập vào vùng ngọt hóa. Theo quy hoạch, sẽ xây dựng tuyến đê dọc sông Tiền và Hàm Luông bao quanh hai cù lao Bảo và An Hóa. Ngoài ra, đặt thêm nhiều cống hộp, âu thuyền để ngăn mặn triệt để. Như vậy hơn ngàn tỉ đồng nữa sẽ phải đổ xuống để hoàn tất. Tương lai, bao quanh tỉnh Bến Tre là đê? Nhiều lãnh đạo ở Bến Tre vẫn nghĩ rằng khi hệ thống ngăn mặn hoàn thành sẽ chấm dứt tình trạng nuôi tôm trong vùng ngọt hóa. Nhưng liệu có ngăn được mặn khi giữa trung tâm vùng quy hoạch ngọt hóa hàng ngàn cây nước mặn khoan sâu chừng chục mét đang hối hả bơm nước mặn lên mặt đất mỗi ngày để đưa vào vuông nuôi tôm?
Trong vùng ngọt hóa Bến Tre giờ vắng bóng cây trồng. Thay vào đó là hình ảnh những vuông nuôi tôm nằm kế tiếp nhau. Ảnh: H.LỘC
Vài năm trước, Cà Mau đã để lại một bài học về mặn ngọt, hai bên một dòng kênh, bên nuôi tôm là nhà ngói đỏ, tivi, đầu máy, nơi không có điện thì chạy máy đèn; bên trồng lúa là nhà lá, đèn dầu... Bên ngọt hóa đã kéo nhau phá bỏ đập ngăn mặn. Nếu bài học này lặp lại ở Bến Tre thì cống đập Ba Lai trị giá hơn 80 tỉ đồng sẽ trở nên lãng phí.
Nuôi tôm trong vùng ngọt hóa
Hiện nay, bên trong cống đập Ba Lai dọc cù lao An Hóa giữa nhánh sông Ba Lai và sông Tiền, trên hai huyện Bình Đại và Châu Thành là những vuông tôm nối tiếp nhau nhìn mút mắt. Người nuôi tôm ở các xã Bình Thới, Định Trung, Thới Lai, Lộc Thuận… của huyện Bình Đại mùa khô thì lấy nước mặn ở hệ thống kênh, rạch chảy vào sông Ba Lai từ hướng sông Tiền. Mùa mưa nước sông ngọt lại, người nuôi tôm khoan giếng ngầm sâu vài chục mét bơm nước mặn lên để nuôi tôm. Trong vùng ngọt hóa bắc Bến Tre có đến hàng ngàn cây khoan nước mặn như vậy. Con lộ chạy dọc cù lao An Hóa dài ngoài 20 km nhưng có hàng trăm con kênh lớn nhỏ dẫn nước mặn vào trung tâm vùng ngọt.
Sơ đồ xâm nhập mặn từ sông Hàm Luông và sông Tiền vào sông Ba Lai. Ảnh: H.LỘC.
Ở xã Lộc Thuận, năm 2002 toàn xã có hơn 1.000 ha lúa, gần 400 ha mía, nay hầu hết đã trở thành đầm nuôi tôm. Người dân đang mặn hóa trong vùng quy hoạch ngọt hóa bắc Bến Tre.
Phải cảnh giác với lũ biển Chống mặn cho đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết nhưng phải tính đến hiệu quả của nó là nông dân được gì, hiệu quả kinh tế ra sao. Chúng ta đã tiến hành đê bao khép kín, đẩy lũ ra sông để ngọt hóa đồng bằng sông Cửu Long là đồng nghĩa với việc đương đầu với lũ sông. Sau lũ sông sẽ đến lũ biển. Chúng ta phải chuẩn bị tư thế đương đầu với lũ biển, khi lũ biển dâng cao cống đập không đủ sức ngăn chặn. Cần quan tâm đến quy luật tự nhiên sinh thái mặn, ngọt. Thích ứng với quy luật đó là ngăn mặn cục bộ theo quy luật thủy triều thì mới mong đương đầu được với lũ biển. Giáo sư Đào Công Tiến, (Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) |
ĐẶNG HUỲNH LỘC