Những ngày qua, giao tranh giữa Lực lượng phòng vệ Israel và nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon tiếp diễn với hàng loạt vụ nã súng cối và pháo kích giữa hai bên. Israel ngày 16-10 phải sơ tán dân cư ở khu vực biên giới với Lebanon.
Trong bối cảnh bạo lực leo thang, xuất hiện những lo ngại về việc Hezbollah có thể kích hoạt cuộc chiến chống Israel. Theo nhiều nhà quan sát, kịch bản này có thể giảm bớt áp lực cho nhóm vũ trang Hamas và dân thường ở Dải Gaza nhưng sẽ tàn phá Lebanon và gây tổn thất nặng nề với Israel.
Hezbollah là gì?
Hezbollah (“Đảng của Chúa”) là một nhóm chiến binh Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn, được thành lập vào năm 1982 để chống lại sự chiếm đóng của Israel ở miền nam Lebanon.
Hezbollah cũng là một đảng chính trị lớn, có ảnh hưởng nhất trong hệ thống chính trị mang tính giáo phái của Lebanon. Theo hãng tin Al Jazeera, nhóm này thường được mệnh danh là “một quốc gia bên trong một quốc gia” nhờ vào mạng lưới chính trị và quân sự rộng lớn.
Với sự ủng hộ từ những người Hồi giáo Shiite, Hezbollah được xem là một trong những kẻ thù lớn nhất của Israel trong khu vực. Vào năm 2000, sau gần 20 năm giao tranh chết chóc, lực lượng Israel đã đơn phương rút khỏi miền nam Lebanon, và Hezbollah tự tuyên bố mình là quân đội Ả Rập đầu tiên buộc Israel phải nhượng lại quyền kiểm soát lãnh thổ.
Lịch sử đối đầu Hezbollah - Israel
Vào tháng 7-2006, nhóm Hezbollah bắt giữ 2 binh sĩ Israel ở biên giới Israel-Lebanon, động thái dẫn đến phản ứng quân sự lớn từ Israel. Hai bên sau đó đã tiến hành một cuộc chiến kéo dài 34 ngày khiến hơn 1.100 công dân Lebanon và 165 người Israel thiệt mạng.
Cuộc chiến kết thúc mà không rõ Hezbollah hay Israel là bên giành chiến thắng, nhưng chắc chắn người thua cuộc là dân thường Lebanon. Theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Israel đã phá hủy hoặc làm hư hại khoảng 30.000 ngôi nhà, 109 cây cầu và 78 cơ sở y tế ở Lebanon.
Al Jazeera dẫn lời ông Nicholas Blanford - chuyên gia về nhóm Hezbollah của Hội đồng Đại Tây Dương (tổ chức tư vấn chính sách, Mỹ) cho biết rằng trong cuộc chiến năm 2006, nhóm Hezbollah có từ 3.000 đến 5.000 chiến binh và tấn công Israel bằng tên lửa tầm ngắn.
Theo chuyên gia này, sau 17 năm, khả năng quân sự của Hezbollah đã cải thiện đáng kể. “Tôi nghĩ Hezbollah ngày nay có khả năng gây thiệt hại lớn nhất cho Israel” - ông Blanford nhận định.
Sức mạnh quân sự của Hezbollah ngày nay
Ông Blanford ước tính Hezbollah hiện có khoảng 60.000 chiến binh, bao gồm cả chiến binh dự bị.
Kho dự trữ tên lửa của nhóm này cũng tăng từ 14.000 vào năm 2006 lên khoảng 150.000 hiện nay, hầu hết là tên lửa tầm ngắn, nhưng cũng có tên lửa dẫn đường chính xác với tầm bắn 2.300 km do Iran sản xuất.
Vị chuyên gia nói thêm rằng Hezbollah đã huấn luyện một đơn vị “lực lượng đặc biệt” để xâm nhập Israel trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
“Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi các quan chức Israel trong vài năm qua đã coi Hezbollah là mối đe dọa chính của họ” - ông Blanford nói.
Chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ gốc Lebanon, bà Randa Slim - giám đốc Chương trình Xung đột và Giải pháp tại Viện Trung Đông (trung tâm văn hoá và cố vấn phi lợi nhuận, phi đảng phái ở Mỹ) nhận định rằng trong vài năm qua, khả năng chiến đấu của Hezbollah đã cải thiện đáng kể khi nhóm này tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria và về phe Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
“Ở Syria, sau một cuộc chiến kéo dài, nhóm Hezbollah đã đạt được những kỹ năng mới về chiến tranh đô thị và tình báo. Hệ thống tình báo của họ đã được cải thiện rất nhiều” - theo bà Slim.
Nguy cơ nổ ra xung đột Israel - Hezbollah
Giới phân tích có những đánh giá khác nhau về nguy cơ bạo lực giữa Israel - Hezbollah leo thang thành xung đột.
Bà Slim cho rằng dù bạo lực biên giới giữa Israel và Hezbollah không phải là điều bất thường, nhưng trong bối cảnh hiện tại, nguy cơ leo thang là rất cao. Theo bà, việc Hezbollah có quyết định mở mặt trận chống lại Israel hay không tùy thuộc vào tình hình ở Dải Gaza. Nếu Hamas sắp bị tiêu diệt, Hezbollah có thể tham gia, vị chuyên gia nhận định.
“Hezbollah đã nói về ý tưởng này – gọi đó là sự thống nhất các mặt trận – giống như Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO): tấn công vào một bên là tấn công vào tất cả” - bà Slim cảnh báo.
Trong khi đó, ông Blanford tin rằng Hezbollah sẽ kiềm chế. Ông giải thích rằng Hezbollah đóng vai trò là lực lượng ngăn chặn chính, chống lại bất kỳ kế hoạch nào có thể xảy ra của Israel nhằm tấn công Iran.
“Nếu xảy ra chiến tranh ở Lebanon thì Hezbollah sẽ bị tấn công và Iran sẽ mất đi một phương tiện răn đe quan trọng” - ông Blanford nói.
Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng xảy ra chiến tranh. Ông trích dẫn việc Mỹ điều hai tàu sân bay tới gần Israel và thể hiện mục tiêu răn đe các nhóm được Iran hậu thuẫn có thể khiến Iran hay Hezbollah “nóng mặt”.
Liệu Hezbollah có thể đánh bại Israel?
Bà Slim cho rằng Hezbollah có khả năng “gây ra tổn thất khủng khiếp cho Israel” nhưng vẫn sẽ bị Israel áp đảo.
Vị chuyên gia tin rằng nhóm Hezbolla có thể duy trì một cuộc tấn công vào Israel nhằm tàn phá cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay và các mạng lưới điện lớn. Nhưng cuối cùng, Israel có thể biến phần lớn Lebanon thành đống đổ nát.
“Cuộc chiến ở đây không giống với cuộc chiến ở Syria. Tại Syria, Hezbollah đang chiến đấu chống lại nhiều lực lượng dân quân khác nhau nhưng không lực lượng nào trong số đó có thể so sánh với quân đội Israel” - bà Slim bình luận.
Bà cảnh báo, nếu xung đột bùng phát, Israel có thể sử dụng “Học thuyết Dahiya”, cho phép nước này tấn công quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự của các đối thủ để đáp trả hành động gây hấn chống lại Israel.
Nếu kịch bản trên xảy ra, một cuộc khủng hoảng thật sự sẽ xảy ra ở Lebanon - đất nước vốn đang chịu đựng những vấn đề kinh tế và chia rẽ chính trị. Khi đó, Hezbollah sẽ không chỉ phải đối đầu với Israel mà còn phải ứng phó một cuộc xung đột nội bộ với những người Hồi giáo dòng Sunni ở phía bắc Lebanon.