“Bảo toàn” đường hô hấp trong mùa lạnh

Hệ hô hấp từ mũi họng đến phế quản, phổi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh trên một diện rất rộng lớn nên đường hô hấp là cơ quan đầu tiên của cơ thể chịu ảnh hưởng của không khí lạnh.

Phòng bệnh đúng cách

Tránh bị nhiễm lạnh: Để phòng tránh các bệnh về hô hấp trong mùa lạnh cần chú ý một số điểm sau:

- Mặc ấm khi ra lạnh: Giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi đi xe đạp và nhất là đi xe máy nên đội mũ bảo hiểm loại che kín được cả đầu lẫn mặt, cằm để tránh bị lạnh gây nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi họng.

- Giữ ấm trong nhà: Cần chú ý đóng kín các cửa, các khe, lỗ hở tránh gió lùa. Nếu có điều kiện thì dùng lò sưởi, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ vì khả năng chịu lạnh của các cháu kém. Tuy nhiên, cần tránh các kiểu sưởi mà chất đốt cháy không hoàn toàn như dùng lò than ủ ở phòng kín quá vì sẽ gây ngộ độc khí CO2 nguy hiểm như đã từng xảy ra ở nước ta một vài năm trước đây. Các gia đình có điều kiện dùng điều hòa nhiệt độ cũng không nên để nhiệt độ trong phòng ngủ cao quá, nhất là đối với những trẻ hằng ngày vẫn đi học hoặc người lớn đi làm, vì khi chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá lớn sẽ dễ bị viêm đường hô hấp trên. Thông thường nên để khoảng 20-25 độ C.

“Bảo toàn” đường hô hấp trong mùa lạnh ảnh 1

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là cách hữu hiệu để điều trị viêm đường hô hấp, nhất là ở trẻ nhỏ.

Tránh một số thói quen xấu như hút thuốc lá, thuốc lào. Hút thuốc làm giảm rất rõ sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc các lông chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị tê liệt, chuyển động rối loạn không đẩy chất nhầy lên được, các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả làm cho ta dễ bị nhiễm trùng. Nghiện rượu cũng làm suy giảm sức đề kháng chung của cơ thể, khi uống rượu người ta có cảm giác nóng nên thường cởi bớt quần áo, khăn mũ nên dễ bị nhiễm lạnh, dễ bị nhiễm trùng phế quản phổi.

Tập thể dục: Viêm phổi thường có xu hướng nặng hơn ở người già trên 65 tuổi hoặc ở những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, các tình trạng bệnh lý khiến bệnh nhân phải nằm lâu; những người có tổn thương cấu trúc phổi - phế quản như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi... Do vậy ở những bệnh nhân này cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, tuân theo chế độ điều trị bệnh đang mắc; ở những bệnh nhân nằm lâu cần thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp việc vỗ rung lồng ngực.

Tiêm phòng cúm hằng năm: Tiêm vaccine phế cầu, vaccine phòng vi khuẩn Haemophilus cho trẻ em, người trên 65 tuổi, nhất là người có mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim, tiểu đường, bệnh gan hoặc suy giảm miễn dịch. Có thể dùng một số thuốc tăng cường miễn dịch nhằm gia tăng sức đề kháng của niêm mạc đường thở.

Duy trì chế độ dinh dưỡng: Dinh dưỡng cần đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh. Thường xuyên bảo đảm vệ sinh răng miệng, giữ đều nếp đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ để tránh nhiễm trùng răng miệng.

Điều trị

Khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên cần điều trị sớm và triệt để, tránh nhiễm trùng lan xuống phế quản phổi. Ví dụ, khi trẻ nhỏ bị viêm mũi thì mũi của trẻ bị chất tiết làm tắc, trẻ sẽ thở bằng miệng. Không khí trẻ hít thở vào phế quản phổi sẽ không được sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch như khi trẻ thở bằng mũi bình thường nên trẻ rất dễ bị viêm phế quản, viêm phổi với diễn biến nặng, nhanh. Vì vậy việc đầu tiên cần làm là khai thông đường hô hấp trên của trẻ bằng cách rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý natri clorua 9%: Cho trẻ nằm nghiêng, đầu kê trên một chiếc khăn mặt bông to, bơm nhỏ dung dịch với nước muối sinh lý (hoặc phun xịt nếu có loại chế phẩm đóng trong bình xịt áp lực) vào lỗ mũi ở phía trên dần dần sao cho dịch chảy đẩy các chất tiết trong mũi ra lỗ mũi ở phía dưới. Khi thấy dịch mũi chảy ra thì lấy khăn giấy hoặc khăn vải mềm lau sạch hoặc hút nhẹ dịch, chất tiết ra. Đối với người lớn cũng cần làm sạch mũi bằng cách tương tự.

Hạn chế thức ăn lạnh

Khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh dễ gây ra các bệnh hô hấp như viêm xoang, viêm họng, ho, viêm phế quản, đặc biệt dễ gây các cơn kịch phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cơn hen phế quản... nên việc cần làm nhất là phòng bệnh. Ngoài việc mặc đủ ấm, tránh ngủ nơi gió lùa..., bạn nên tạo thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối ấm hằng ngày, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý... để làm sạch đường hô hấp, ngăn ngừa vi khuẩn, virus trú ngụ gây bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp; nên uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh, kem, đá”.

BS HỒ VĂN CƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm