Xu hướng mua bất động sản an toàn sau giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các chuyên gia dự báo bất động sản (BĐS) sẽ phục hồi chậm hơn nhiều ngành khác khi các tỉnh, thành nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại nền kinh tế.

Mở cửa là có giao dịch

Sau thời gian dài gần như bất động vì dịch bệnh, thị trường BĐS cũng như các ngành sản xuất, kinh doanh khác sẽ hồi sinh khi TP.HCM cũng như các tỉnh, thành khác mở cửa trở lại nền kinh tế.

Thị trường bất động sản sẽ phục hồi chậm hơn so với nhiều lĩnh vực khác sau dịch. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Theo đánh giá của ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, thông tin TP.HCM đang lên kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tác động tích cực đối với thị trường BĐS cũng như nhiều ngành khác. Quan trọng nhất là giúp ổn định sản xuất, kinh doanh cũng như phục hồi đầu tư, cung ứng BĐS.

Theo đà thông tin tích cực, ông Quang cho rằng sẽ có một tín hiệu khác là xuất hiện một số nhà đầu tư phải tìm cách thoát hàng ra với mục đích giải quyết khó khăn tài chính. Trong giai đoạn này, họ phải gánh chịu nhiều áp lực như lãi vay ngân hàng, chi phí sinh hoạt, chi phí công ty… Vì thế, sau giãn cách cũng là thời điểm nhà đầu tư bán bớt sản phẩm, tái cơ cấu tài chính của mình.

Theo phân tích của ông Quang, BĐS khác với các loại hàng hóa khác. Hàng hóa có thể mua bán, giao hàng online nhưng BĐS có giá trị lớn, nhà đầu tư và người mua vẫn muốn đi xem trực tiếp thì mới quyết định ra tiền. BĐS sẽ phục hồi chậm hơn, chỉ khi nào TP.HCM và các tỉnh, thành khác mở cửa hoàn toàn, đi lại liên thông giữa các tỉnh thì thị trường mới có thể trở lại trạng thái bình thường.

Đặt giả thuyết việc liên thông các tỉnh bắt đầu vào đầu năm 2022 thì lúc đó thị trường BĐS sẽ đi theo phương ngang, xuất hiện làn sóng bán ra ở tất cả phân khúc để cắt lời, cắt lỗ và xu hướng giảm giá 5%-10%, thậm chí 15%.

Đặc biệt, với phân khúc căn hộ đầu tư và BĐS có giá trị lớn trên 20 tỉ đồng sẽ có giao dịch nhiều nhất sau dịch. Bởi trong mùa dịch, phân khúc căn hộ đầu tư không được giá so với các loại hình khác như nhà liền thổ, đất nền. Hơn nữa, khi mở cửa liên thông, số lượng người dân về quê rất nhiều nên khả năng cho thuê căn hộ sẽ khó.

“Riêng sản phẩm BĐS trên 20 tỉ đồng tính thanh khoản rất kém do diện tích lớn, giá trị cao, ít khách hàng có khả năng. Nếu những sản phẩm này bị ngân hàng “dí” nợ sẽ phải giảm giá mạnh để bán ra” - ông Quang nói.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng BĐS sẽ phục hồi chậm sau khi các ngành sản xuất, kinh doanh khác phục hồi hoàn toàn. Khi người dân có thu nhập, ổn định kinh tế trở lại thì họ mới nghĩ tới mua nhà hay đầu tư. Phân khúc phục hồi sớm nhất của BĐS vẫn là căn hộ trung cấp, bình dân, vì đây là sản phẩm có nhu cầu ở thực rất lớn. Nhu cầu này tồn đọng trước dịch, người dân không thể đi mua được nên sau dịch, họ sẽ quay trở lại tìm kiếm.

Xu hướng tìm mua bất động sản an toàn

Theo ông Trần Khánh Quang, sau giãn cách sẽ có xu hướng nhà đầu tư BĐS an toàn bởi dịch bệnh đã khiến họ thay đổi suy nghĩ. Cụ thể, người có căn hộ nhỏ sau dịch thấy bất tiện nên sẽ muốn mua căn hộ lớn hơn. Người có căn hộ lớn lại thích xuống mua nhà phố ở những khu vực thông thoáng, chứ không phải nhà phố trong hẻm hóc chật chội. Người đang ở nhà phố lại muốn mua nhà ở những khu cao cấp, an ninh để an toàn hơn.

Ngoài ra, ông Quang cũng chỉ ra xu hướng những người có tiền nhàn rỗi nhiều lại có xu hướng tìm mua căn nhà thứ hai ở các tỉnh lân cận, như kiểu nhà vườn hoặc BĐS nghỉ dưỡng.

Kịch bản khi dịch bệnh được khống chế, các tỉnh, thành mở cửa trở lại, ông Quang dự báo thị trường sẽ “chạy” vào tháng 11, 12 và tháng 1-2022, đó là ba tháng thị trường đi ngang. Có nơi giá tăng vì nhu cầu đầu tư BĐS an toàn, có nơi giá giảm vì có xu hướng bán ra thoát hàng vì áp lực tài chính. Ba tháng tiếp theo (tháng 2, 3 và 4-2022), thị trường có thể tăng trưởng nhanh, tăng nóng trở lại khoảng 15%-20%.

“Sau đó, thị trường sẽ giảm nhiệt và ổn định trở lại trong khoảng sáu tháng kế tiếp. Những tháng cuối năm 2022, thị trường mới chính thức bình thường, phục hồi và hòa mình với nền kinh tế” - ông Quang nói.•

 

Nhu cầu mua bán căn hộ TP.HCM giảm mạnh

Theo báo cáo thị trường hồi tháng 7 của kênh thông tin batdongsan.com.vn, lượng tin đăng rao bán căn hộ trên địa bàn TP.HCM trong tháng ghi nhận mức giảm lên đến 44% so với thời điểm tháng 6. Trong đó, lượng tin rao bán căn hộ cao cấp và trung cấp đều đồng loạt giảm hơn 40%, còn loại hình căn hộ bình dân giảm đến 48%. Đây được xem là mức giảm kỷ lục trong các quý vừa qua.

Nguồn hàng chào bán giảm mạnh, kéo theo nhu cầu mua cũng đi xuống khá nhanh. So với thời điểm tháng 6, nhu cầu tìm kiếm căn hộ tại TP.HCM trong tháng 7 giảm hơn 25%.

Dù nhu cầu giao dịch giảm nhưng lại không gây tác động mạnh đến giá bán của phân khúc này, khi giá sơ cấp rao bán chung cư vẫn tăng trong cao điểm dịch bệnh. So với tháng 6, giá bán chung cư tăng thêm 2% và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm