Bi hài bố mẹ trẻ tranh nhau dạy con

Làm cha mẹ luôn là cả một nghệ thuật. Nuôi và dạy một đứa trẻ lớn khôn là kì công của cả cha và mẹ. Làm sao để con thật ngoan, làm sao để con mạnh mẽ trưởng thành và đẹp đẽ trong nhân cách… luôn khiến các bậc cha mẹ trăn trở. Điều đó càng khó hơn khi họ trở thành phụ huynh khi tuổi đời còn rất trẻ và vì thế, họ tranh giành nhau dạy con, cãi vã nhau và gây ra những chuyện dở khóc, dở cười…
 
Mẹ xì tin, ông ngoại khổ
 
Nghe tin Thu lấy chồng, ai cũng ngỡ ngàng vì bạn bè cô, anh chị cô và ngay cả cha mẹ cô cũng không thể tượng tưởng nổi đứa con gái ngỗ nghịch của mình lại lên xe hoa sớm như vậy. Thu nổi tiếng là dân ăn chơi trong thành phố, việc học hành cô chỉ xem như một trò vui để giết thời gian mỗi khi không có việc gì làm, còn lại phần lớn thời gian, Thu dành cho việc đua xe, mua sắm, yêu đương. Những cuộc tình trôi qua một cách chóng vánh.
 
Một năm phải có đến hai, ba lần Thu bỏ nhà theo người tình rồi lại rũ rượi trở về. Bố mẹ không nói được con. Ông bà không nói được cháu. Cả gia đình đành để mặc cho đứa con gái không sợ trời, không sợ đất muốn làm gì thì làm. Hai tháng sau khi tốt nghiệp cấp ba, bỗng dưng Thu đùng đùng mang một anh con trai về ra mắt bố mẹ và nói tháng sau sẽ cưới.

Anh trai tên Hùng, hiền như cục đất, nghề nghiệp ổn định, lại rất yêu chiều Thu. Bố mẹ cô ngỡ ngàng nhưng cũng coi như đó là phúc phận con gái được hưởng bởi một đứa con gái hư hỏng mà tìm được một anh chồng như vậy quả thật là điều may mắn. Ông bà đồng ý ngay tức khắc và chuẩn bị đủ mọi thứ cần thiết cho đám cưới của con gái.

Vậy là 19 tuổi, Thu trở thành cô dâu và ngoan ngoãn về nhà chồng. Bố mẹ những mong con gái có chồng sẽ đoan trang, thùy mị và có trách nhiệm hơn nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Chồng Thu đi làm xa nhà, Thu ở với bố mẹ chồng. Nhờ cái miệng dẻo nên cô được bố mẹ chồng yêu quý và chẳng bao giờ phải động tay vào việc gì.

Rảnh rỗi, cô lại tụ tập với đám bạn cũ. Không ai nói được Thu. Ngay cả khi đang mang bầu, Thu vẫn cứ đi suốt. Bố mẹ Hùng thì lại khuyến khích con dâu vận động nhiều cho cái thai khỏe nên cô càng được đà. Hai mươi tuổi, Thu sinh con đầu lòng.

Sự ra đời của đứa con phần nào khơi dậy trong cô bản năng làm mẹ. Ba tháng đầu, Thu chỉ ở nhà chăm con. Dù có lúng túng, có vụng về nhưng cô vẫn cố gắng tỉ mẩn cho con ăn, thay tã, pha sữa… Bố mẹ Thu mừng lắm. Ngỡ con gái sẽ thay đổi bởi con gái đã làm mẹ, đã có một đứa trẻ để quan tâm, lo lắng nhưng bản tính khó dời, mọi thứ lại đâu vào đấy khi bé Bi cai sữa. Bé Bi còi cọc vì bị mẹ cho cai sữa sớm, phải ăn sữa ngoài, lại chẳng mấy khi được chăm sóc.

Ông bà nội bé hàng ngày bận rộn với việc kinh doanh, bố đi làm xa, bà ngoại cũng đi làm, cái khổ lại đổ lên đầu ông ngoại. Thu chìm vào các cuộc chơi với bạn bè, các kế hoạch giảm cân dày đặc để lấy lại dáng người. Cũng đã có khi Thu mang con theo trong các cuộc vui nhưng sau khi chè chén say xỉn, cô bỏ quên luôn con gái đang nằm ngủ trong quán rồi ồn ã theo bạn bè đi hát hò, tăng hai, tăng ba. Sau lần ấy, không ai trong gia đình yên tâm giao Bi cho Thu chăm nữa. Mọi trọng trách được giao cho ông ngoại.

Ông ngoại ngày ngày đèo cháu đi chơi, ở nhà chơi với cháu, dạy cháu đi, dạy cháu nói. Có khi cả tuần liền, bé Bi không được gặp mẹ vì mẹ còn bận đi chơi. Chẳng ai nghĩ Thu là gái đã có chồng lại có thêm một con vì cô vẫn còn quá trẻ, tính ham chơi thậm chí hơn cả đàn em.

Mới đây, Thu lại nằng nặc đòi đi học xa nhà để được biết sống cuộc sống sinh viên thì như thế nào. Con gái cô giao cho ông ngoại chăm. Chồng Thu cũng không nói được vợ nên anh đành sắp xếp mọi thứ cho cô vợ trẻ thực hiện ước nguyện của mình. Bé Bi quen ở với ông ngoại nên cũng chẳng bao giờ thấy nhớ mẹ. Thậm chí, khi gặp mẹ, bé còn thấy xa lạ.

Năm nay, Bi mới hơn hai tuổi. Những ngày tháng được ở cùng mẹ của Bi chỉ tính trên đầu ngón tay. Bi không nhớ mẹ, mẹ cũng không nhớ Bi. Sự liên kết lỏng lẻo trong gia đình cướp đi tuổi thơ của Bi. Mỗi khi mẹ trở về giữa các kì nghỉ, Bi thi thoảng cũng được mẹ đưa đi chơi. Hơn hai tuổi, Bi đã được mẹ đánh phấn, đánh son cho làm điệu. Bi đã được xỏ lỗ tai, một khuyên nhỏ ở mũi giống mẹ. Vội vã được vài ngày, Thu lại đi. Con lại được giao cho ông ngoại.

Ông ngoại gần 50 cả ngày ở cùng cháu. Khi cháu sốt cũng chỉ biết vụng về cho uống vài viên thuốc. Đến kì, ông ngoại lại lạch cạch đạp xe đưa cháu đi tiêm phòng. Vừa làm ông ngoại, vừa làm bố, vừa làm mẹ của Bi khiến bố Thu mệt nhoài nhưng “cháu mình, mình không chăm thì còn ai chăm cho nữa” – Ông thở dài tâm sự.

Mẹ trẻ, bố già và cuộc chiến dạy con

Cũng làm mẹ ở tuổi 19 như Thu nhưng Nhung là một người mẹ có trách nhiệm. Nhung được nuôi dạy trong một gia đình nề nếp. Việc lấy chồng là do hai bên bố mẹ sắp đặt chứ hoàn toàn không phải do ý muốn của cô. Hưng, chồng Nhung, hơn cô tới 14 tuổi. Sự cách biệt về tuổi tác, hôn nhân sắp đặt khiến cuộc sống vợ chồng khi mới bắt đầu có phần khó khăn.

Tuy nhiên, vì Hưng hơn vợ khá nhiều tuổi, đã trưởng thành trong suy nghĩ và cách xử sự nên dần dần hai người cũng hiểu và có tình cảm với nhau. Bé Son ra đời trong tình yêu thương của cha mẹ. Những tưởng khi đứa trẻ ra đời, cuộc sống của hai vợ chồng sẽ hạnh phúc hơn vì có con làm cầu nối nhưng mọi chuyện lại hoàn toàn ngược lại. Bé Son trở thành chủ đề cãi vã thường xuyên của Nhung và Hưng bởi hai người mâu thuẫn nhau trong cách dạy con.
Nhung muốn nuôi con bằng sữa mẹ vì đó là cách tốt nhất để con lớn lên mạnh khỏe với đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng Hưng không nghĩ vậy. Anh muốn cho con ăn sữa ngoài. Hưng mua rất nhiều loại sữa cho trẻ sơ sinh từ nước ngoài về vì anh nghĩ, ăn sữa ngoài sẽ giúp con thông minh hơn.
 
Hơn nữa, anh không muốn vợ mình sau khi sinh sẽ phát phì ra bởi phải ăn nhiều thứ cho có sữa để cho con bú. Hưng nói: “Phụ nữ cho con bú, ngực sẽ bị chảy. Sau này rất khó lấy lại vóc dáng”.

Vì riêng chuyện này thôi mà hai vợ chồng cãi nhau triền miên. Sau, vì muốn giữ hòa khí gia đình, Nhung nhượng bộ chồng. Chỉ khi anh không có ở nhà thì cô mới dám lén lút cho con bú sữa mẹ. Bé Son lớn hơn một chút thì cuộc chiến lại tiếp tục xoay quanh việc chọn nhà trẻ cho bé. Nhung muốn con mình học tiếng Việt trước, văn hóa Việt trước rồi mới đến nước ngoài nhưng Hưng không đồng ý.

Anh nói anh đã lập cả một kế hoạch to lớn cho con rằng ngay khi vào lớp 1 sẽ cho cháu ra nước ngoài học nên cháu phải làm quen với tiếng Anh ngay từ khi còn nhỏ. Nhung cho rằng cho con đi như thế thì sớm quá, cháu sẽ không thể thích ứng được với mọi chuyện.

Chồng vẫn khăng khăng càng sớm càng tốt và đang kí cho bé Son vào học mẫu giáo với toàn cô giáo nói tiếng Anh, các bạn nói tiếng Anh.
 
Tất nhiên, điều đó quá khó cho một cô bé 4 tuổi đã quen nói tiếng Việt. Sau hai tuần học, cháu rơi vào trạng thái trầm cảm vì không thể chơi được với bạn nào, không thể nói chuyện được với bạn nào. Thay vào hình ảnh của cô bé luôn nói cười, hát hò vui vẻ cả ngày, bé Son sợ phải nói, sợ tiếp xúc với người lạ. Đến lúc ấy, Hưng mới đồng ý để cho Nhung đưa con quay lại trường Việt Nam để con lấy lại tinh thần.
Muốn con mình ra nước ngoài học nhưng Hưng lại là một người cha khá phong kiến. Trong khi Nhung muốn con mình được làm bất cứ điều gì con thích trong một khuôn khổ nhất định thì Hưng muốn phải dạy hết cho con nữ công gia chánh ngay từ khi con còn bé.
 
“Làm phụ nữ mà không biết nấu ăn, không biết thêu thùa, không biết chăm lo cho gia đình thì đó là điều không thể chấp nhận được”  - Hưng nghiêm mặt nói. Anh muốn con gái anh phải học hết những thứ đó khi cháu còn nhỏ vì sau này, thời gian cháu sẽ dành cho việc học lấy kiến thức nên sẽ không có điều kiện học những thứ này.
 
Bé Son 4 tuổi bị bố bắt đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên. Cười phải lấy tay che miệng. Khi ăn cơm, mọi thứ đều phải nhẹ nhàng, không bao giờ được gây ra tiếng động. Ăn không lấy no mà trước hết phải chú ý đến việc giữ hình tượng một người con gái thanh lịch, trang nhã…Anh cố nhồi nhét vào đầu con những thứ ấy nên khi đi với bố, Son sẽ là một cô bé khác và đi với mẹ, Son sẽ lại là một cô bé khác.
 
Có lần, Nhung đưa con đi làm đầu cùng, uốn cho tóc con hơi xoăn nhẹ. Về đến nhà, Hưng đùng đùng nổi giận bởi anh không bao giờ chấp nhận cô con gái truyền thông của anh có tóc xoăn trên đầu. Ngay lập tức, bé Son được đưa trở lại salon và làm cho tóc trở về hình hài cũ dù Nhung nói rằng chỉ cần gội đầu vài lần là mọi thứ lại đâu vào đấy. Vợ chồng anh cứ bất hòa liên tục như vậy.
 
Và vì mải cãi vã, mải tranh luận, hai người không còn thời gian dành cho những tâm sự của con, quan tâm xem con nghĩ gì, con muốn gì và con cần gì. Với họ, họ muốn gì, họ cần gì và họ mong con trở thành người như thế nào mới là điều cần thiết và quan trọng hơn hết thẩy.

“Mẹ anh bảo là…”

Làm mẹ khi còn rất trẻ nhưng Ly lại không được chăm con vì mẹ chồng không tin tưởng cô con dâu mới ngoài 20 của mình. “Cháu tôi là cháu vàng cháu bạc. Mẹ nó thì còn trẻ thế. Kinh nghiệm đâu ra mà nuôi con” – Đó luôn là lí do được bà Hồng, mẹ chồng Ly, đưa ra mỗi khi có người hỏi sao không để con dâu nuôi cháu.

Ngay khi bé Sún vừa chào đời, bà nội đã hớt hải bế cháu về nhà. Ly chỉ được bế con khi cho con bú còn đâu bà nội lo hết. Người ngoài nhìn vào thì bảo Ly sướng vì được mẹ chồng chăm con cho từ A đến Z, sinh con mà nhàn hơn người còn độc thân. Chỉ có người trong cuộc mới biết Ly đáng thương vì muốn làm mẹ mà không được làm.

Việc đặt tên cho con, cho con ăn, tắm cho con, thay tã cho con…tất tần tần đều phải làm theo ý của bà nội vì “tôi nuôi chồng cô, rồi cả em chồng cô bao nhiêu năm chẳng nhẽ tôi lại không hơn cô. Cô đã nuôi con bao giờ đâu”. Sau hơn bốn tháng, không chịu được cảnh mình chỉ là cái bình sữa cho con bú, mặc cho mẹ chồng tru tréo, nguyền rủa, Ly nhất định bế con về nhà để được làm một người mẹ thực sự.

Kiên, chồng Ly, đứng giữa hai bên một là mẹ, một là vợ, loay hoay không biết phải làm sao. Nhưng anh vẫn là một ông con sợ mẹ nên kể từ ngày vợ đón con về nhà, gia đình anh lục đục suốt. Ly muốn cho con ăn bột có cả rau xanh nhưng mẹ chồng chỉ muốn cháu mình ăn bột thịt để thông minh. Bà nội lúc nào cũng cầm điện thoại trên tay để chỉ đạo con trai từ xa. Kiên phải nghỉ phép ở nhà để hễ có điện thoại của mẹ là làm được ngay theo ý bà. “Mẹ anh bảo cho con ăn rau nhiều quá không tốt.

Cứ ninh xương mà nấu bột là tốt nhất em ạ”; “Mẹ anh bảo em cho con ra ngoài ít thôi. Ánh sáng nhiều làm mắt con bị nhíu là không tốt đâu”; “Mẹ anh bảo…”…Cứ mở miệng ra nói là Kiên lại nhắc tới mẹ. Ly đã mang con về nhà vẫn không thoát khỏi sự kiểm soát của bà Hồng. Ấy là khi bé Sún còn nhỏ. Đến lúc cháu bảy tuổi, nhà cô càng cãi nhau “rôm rả” hơn vì sự mẫu thuẫn trong cách dạy con.

Một bài toán nhỏ của con mang ra hỏi bố mẹ cũng đủ để cả nhà cãi nhau. Mỗi người một cách giải, ai cũng khăng khăng cách của mình là thông minh, dễ hiểu và ngắn gọn nhất.
 
Ngay cả quần áo, tóc tai của bé Sún khi đến trường cũng được mang ra để cãi nhau và tranh luận. Bà nội thích cháu gái lúc nào cũng buộc tóc hai bên, mặc váy “nhìn xinh như các bạn hay hát trên tivi ấy” còn Ly thì muốn con mình mặc quần áo thoải mái theo ý con thích để tiện cho việc vận động. Mặc váy sẽ kiếm chế các hoạt động của cháu. Mọi tranh cãi đưa đến quyết định rằng Sún sẽ mặc váy 2 ngày và mặc quần 3 ngày.
Việc họp phụ huynh cho cháu, Ly và mẹ chồng cũng phải chia nhau. Đến khi bà ngoại ở quê lên thì cuộc chiến lại càng thêm phần quyết liệt. Bà ngoại phản đối cháu học tiếng Anh vì sợ mất gốc. Ly khuyến khích con học vì đó là điều cần thiết. Bà nội lại bắt cháu  học tiếng Hàn vì bà thích cháu sang Hàn du học.
 
Ba người đàn bà cãi nhau ầm ĩ suốt ngày, dỗi hờn nhau. Con bé mới bảy tuổi thì không biết phải chiều theo ý ai. Hỏi bố thì bố nói cứ theo ý bà nội mà làm. Để giữ hòa khí, bé Sún được ba người dạy dỗ theo ba chế độ khác nhau, phân chia từng ngày trong tuần.

Hai ngày của bà ngoại, hai ngày của bà nội và hai ngày của mẹ Ly. Ngày chủ nhật bé được hoàn toàn làm theo những điều bé thích. Cô bé còn nhỏ mà một mình có tới tận ba tủ to quần áo. Một tủ bà ngoại sắm, một của bà nội, một là của mẹ. Ngày của người nào thì con bé sẽ mặc quần áo của người đó. Cháu không có quyền phản kháng vì có phản kháng thì cũng không ai nghe, không ai quan tâm.
Đẩy đi đẩy lại, cuối cùng chỉ có con bé là mệt nhất vì phải chiều theo những ý thích của người lớn. Người lớn vui thì trẻ con khổ. Mà trẻ con thì lại cần vui hơn người lớn biết bao.
 
Con hạnh phúc khi lớn lên cùng mẹ

Cũng không phải tất cả bà mẹ trẻ nào cũng vụng về trong chuyện chăm con bởi không phải bà mẹ nào cũng non nớt dù tuổi đời còn rất trẻ. Có người bỡ ngỡ nhưng cũng có người đã chuẩn bị đầy đủ hành trang làm mẹ cho mình. Và vì thế, những đứa trẻ của những bà mẹ đó lớn lên mạnh mẽ, không đau đớn. Bé My, con Giang, đã được lớn lên như vậy.

Giang sinh con khi mới 17 tuổi. Cái tuổi còn đang ăn học, chơi chưa đến nơi, lo chưa đến chốn mà cô đã phải chăm sóc thêm cho một người đàn ông và một đứa trẻ nhỏ. Bố mẹ lo, anh chị lo, bạn bè lo nhưng sự lo lắng thường không giúp ích nhiều. Có con, Giang nghỉ học.

 Bố mẹ cho tiền vốn để kinh doanh. Cô con gái nhỏ được chăm sóc tốt hơn mọi người nghĩ. Giang cho con đi học hát, học vẽ. Hễ con thích học gì là cô cho đi học luôn. Cô không bao giờ bắt ép con phải sống theo những mong muốn của mẹ nó.  Đến khi đủ tuổi kết hôn, Giang và ba của bé My làm đám cưới. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ rất dễ chịu. Con bé My lớn lên với sự dạy dỗ đồng thuận từ cả mẹ và ba.

Nhà Giang không thiếu tiền cho con sống trong sung sướng với đầy đủ tiện nghi nhưng Giang không để cho con ngủ quên trong nhung lụa. Cô dạy con biết quý trọng đồng tiền, biết quý trọng những gì do mình làm ra. Cô và con gái không chỉ là mẹ con mà còn là bạn bè. My có thể kể cho mẹ nghe mọi chuyện và xin mẹ lời khuyên.

Cô bé không bao giờ giấu diếm chuyện mình đang thích bạn trai nào, chuyện học hành, đang khúc mắc vấn đề gì. Sự trẻ trung và cách dạy dỗ của người mẹ khiến cô con gái không ngại bày tỏ những điều mình nghĩ.

Giang cũng dạy cho con biết những kiến thức về giới tính từ rất sớm. “Đó là cách tôi dạy con gái tự bảo vệ mình bởi tôi đã làm mẹ quá sớm chỉ vì không biết những điều đó” – Giang chia sẻ. Không khư khư giữ con ở nhà, Giang cho con tham gia các đợt tình nguyện. Điều đó giúp My lớn lên và có ý thức hơn với cộng đồng.

Con gái 10 tuổi, mẹ đang 27 nhưng vẫn áo phông, quần bò nhí nhảnh tuổi teen. Ra đường, người ta vẫn nhầm hai mẹ con là hai chị em vì trông mẹ trẻ quá. My tự lập từ rất sớm. Cô bé không bao giờ dùng nước mắt để nì nèo bố mẹ mua cho cái này cái kia. Cũng không bao giờ có chuyện bố mẹ phải gọi hò con dậy đi học vào mỗi buổi sớm. Ý thức tự giác, tự lo cho bản thân đến với My qua cách dạy của mẹ.

Trong khi bạn bè cháu, có đứa trẻ vẫn ti tỉ khóc nếu bố mẹ đến đón muộn thì My đã biết bắt xe buýt về nhà. Không phải là Giang không có đủ điều kiện để đưa đón con, thậm chí cô có thừa tiền để thuê người lái xe đưa con đi học và đến đón còn về nhà nhưng con bé My không muốn như thế.

Nó nói con có thể tự làm được thì sao phải dựa vào người khác. Giữa rất đông những bạn bè, My tự lập và tự tin hơn hẳn. Cô bé như thủ lĩnh của cả một đám đông. Không bao giờ ngại bày tỏ ý kiến, không bao giờ ngại nói lên điều mình yêu ghét, chưa bao giờ phải rụt rè sợ hãi nấp sau lưng mẹ, My khiến cho nhiều người lớn phải ngạc nhiên và khâm phục.

Bố mẹ Giang, anh chị Giang, bạn bè Giang thở phào khi thấy sau từng ấy năm làm mẹ, cô gái bé bỏng của họ đã làm việc đó rất tốt, thậm chí là quá tốt. Giang để con ăn cùng mình, đi chơi cùng mình, đi spa cùng mình, tâm sự cùng mình và chơi cùng con như một người bạn.

My có thể chia sẻ bất cứ điều gì cháu muốn và cất đi những thứ cháu muốn nó là bí mật của riêng mình. Bố mẹ cháu hoàn toàn tôn trọng điều đó. Một cách may mắn, My có được một người mẹ, một người cha như thế và cháu lớn lên như cháu muốn, chứ không phải lớn lên như bố mẹ muốn.

Vẫn là câu chuyện muôn thủa về tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái nhưng ở thời nào cũng thế, nó vẫn gây ra những tranh cãi. Làm bố mẹ khi tuổi đời còn quá trẻ khiến bố mẹ trẻ gặp nhiều bất lợi mà hơn hết, nó khiến trẻ con gặp nhiều thiệt thòi.

Thiếu kinh nghiệm sống, thiếu kĩ năng chăm sóc trẻ em và còn non nớt trong nhiều câu chuyện khiến bố mẹ trẻ luống cuống với chính đứa con của mình. Để con lớn lên khỏe mạnh, đẹp đẽ luôn cần có sự chuẩn bị kĩ càng về nhiều mặt.
Các bố mẹ cần cùng nhau giáo dục con chứ không phải tranh giành nhau dạy dỗ con bởi khi cuộc chiến dừng lại, con bạn thực ra đã lớn lên từ bao giờ mà hoàn toàn không có bố mẹ ở bên. Hãy nhớ rằng con mới là quan trọng, những tự ái cá nhân, những ích kỉ chỉ là việc ngoài lề, gạt bỏ nó và đi cùng con trên đoạn đường con trưởng thành. Đó là điều tốt nhất mà bố mẹ nên làm cho con – những thiên thần bé bỏng.
 

Theo Nam Anh  ( giadinhnet/ Phụ nữ ngày nay)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm