Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (gọi tắt là hội đồng) vừa kiểm tra công trình đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và phát hiện có nhiều khiếm khuyết. Hội đồng yêu cầu chủ đầu tư phải bóc bỏ, làm lại nền đường ở một số vị trí, đồng thời bù lún ở đoạn đang được khai thác.
Chỗ xong lún, nơi đang thi công nứt
Theo hội đồng, ở gói thầu số 3 (xây dựng đoạn đường cao tốc dài gần 10 km đi qua huyện Nhơn Trạch và Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã xuất hiện lún, lệch với mức độ 3-5 cm. Đây là một đoạn nằm trong 20 km đã được đưa vào khai thác từ đầu năm 2014. Từ khiếm khuyết này, hội đồng yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra lại hồ sơ dỡ tải, đồng thời đề nghị tư vấn thiết kế kiểm tra và có biện pháp khắc phục lâu dài, tránh hiện tượng lún, lệch tiếp tục xảy ra. Được biết gói thầu số 3 có tổng giá trị trên 1.860 tỉ đồng, do nhà thầu Posco E&C (Hàn Quốc) thi công.
Trong khi đó ở gói thầu 5A do Posco E&C làm nhà thầu thi công từ tháng 12-2013 (nhà thầu trước do năng lực kém đã bỏ của chạy lấy người) cũng phát sinh nhiều vấn đề. Đó là ống nhựa không đảm bảo khả năng thoát nước, dễ bị bẹp khi chịu tải trọng lớn nên dễ dẫn đến sụt nền… Vì vậy hội đồng cho rằng nên nghiên cứu phương án làm cầu qua khu vực này.
Tương tự, hội đồng còn phát hiện ở các công trình cầu thuộc các gói thầu 7, 8 và 9 (tổng trị giá trên 4.580 tỉ đồng, là các gói thầu quan trọng nối từ nút giao An Phú, quận 2 đến đường cao tốc) có nhiều bất ổn. Điển hình là một số dầm Super-T bị rỗ nước, rỗ vân mây; chiều dày lớp bê tông bản mặt cầu Đỗ Xuân Hợp mỏng hơn so với thiết kế. Mặt cầu tại nút giao với vành đai 2 có một số vị trí bị nứt…
Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã từng xảy ra lùm xùm về chất lượng (vẫn ở gói thầu của Posco E&C) và phải “khai quật” lên để kiểm tra. Ảnh: CTV
Lại phập phù tiến độ
Ngoài các khiếm khuyết kể trên, điều đáng lo ngại nhất là dự án sẽ không kịp tiến độ đề ra. Theo yêu cầu của Bộ GTVT, chủ đầu tư (Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam - VEC) cùng các nhà thầu phải tập trung nhân lực, thiết bị máy móc và có kế hoạch thi công hợp lý, bù vào khoảng thời gian chậm trễ ở một số gói thầu, đặc biệt là gói thầu 5A để đầu năm 2015 thông toàn bộ tuyến cao tốc này. Tuy nhiên, chiều 6-5, ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, vẫn tỏ ra “hồi hộp” trước yêu cầu về tiến độ trên do gói thầu 5A chưa hết “khó”.
Gói thầu này vốn gặp chậm trễ do liên danh nhà thầu trước đây bỏ dở giữa chừng và Posco E&C được chỉ định thay thế với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trước tết Nguyên đán 2015. Nhưng điều này rất khó đạt được vì hiện việc thi công vẫn còn cầm chừng. Ngoài ra, hội đồng còn chỉ ra vật liệu dùng để đắp nền đường ở gói thầu 5A lẫn nhiều sỏi, đá tảng, thậm chí gốc, rễ cây…
“Những khiếm khuyết trên sẽ được khắc phục như thế nào và liệu việc này có làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án?”. Với câu hỏi này của chúng tôi, ông Lê Mạnh Hùng cho hay sẽ xem lại hồ sơ và trả lời cụ thể trong những ngày tới.
Được biết VEC đã hai lần gửi văn bản cảnh báo nhà thầu Posco E&C về sự chậm trễ trong thực hiện gói thầu 5A nhưng tình hình vẫn không khả quan. Do vậy Bộ GTVT yêu cầu VEC xem xét lại năng lực của nhà thầu Posco E&C. Trường hợp cần thiết thì chỉ định các nhà thầu phụ thay thế để thông xe toàn bộ dự án trước tết Nguyên đán 2015.
HOÀNG VÂN - MINH PHONG
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 20.630 tỉ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 10-2009 và ngày 2-1-2014 đã thông xe một đoạn 20 km từ vành đai 2 đến quốc lộ 51. Bắt tài xế “rút ruột” nhựa đường cao tốc Ngày 6-5, VKSND tỉnh Đồng Nai cho biết vừa phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Kiều Công Tiến (ngụ quận 1, TP.HCM) và Nguyễn Thị Ngọc Nga (ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Theo điều tra, Công là lái xe của Công ty Nhựa đường Petrolimex. Ngày 21-4, trên đường đi giao hàng cho Công ty Shink Wang Global (đơn vị đang thi công đường cao tốc TP.HCM - Dầu Giây), Công lái xe vào DNTN Tâm Nga do bà Nga làm chủ để rút bán 12 thùng phuy nhựa đường (mỗi thùng 200 kg). Tổng cộng số tiền bà Nga trả cho Công hơn 26 triệu đồng. Sau khi giao hàng cho Công ty Shink Wang Global, Công và Phạm Ngọc Thu (phụ xe) tiếp tục quay về kho hàng DNTN Tâm Nga bán thêm nửa phuy nhựa đường nữa được 1,5 triệu đồng thì bị phát hiện. Tại cơ quan điều tra, Công và Thu khai nhận đã nhiều lần “rút ruột” nhựa đường bán cho bà Nga. TIẾN DŨNG |