Chứng khoán Mỹ lại đi xuống

Làn sóng bán tháo cổ phiếu ngành tài chính khiến thị trường chứng khoán Mỹ ngã nhào vào cuối ngày, dù đã tăng điểm khá ở đầu phiên. Quan ngại trỗi dậy sau khi Đức đưa lệnh cấm bán khống một số tài sản có độ rủi ro cao.

Nối tiếp xu thế phục hồi từ phiên giao dịch liên trước, chứng khoán Mỹ mở cửa trong bầu không khí hứng khởi, khi cả 3 chỉ số chính cùng bật mạnh gần 1%. Đồng euro tăng giá và việc các nước thuộc Liên minh châu Âu tiến hành giải ngân gói cứu trợ khổng lồ dành cho Hy Lạp giúp thị trường tăng điểm. Phố Wall lạc quan vào khả năng châu Âu sẽ ngăn được cơn bão khủng hoảng nợ lan sang các nước khác, trong đó có Mỹ.

Thế nhưng đến buổi chiều, không khí lạc quan giảm dần, đồng euro hạ giá. Sức mạnh của thị trường biến mất. Giá trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng do nhu cầu đối với loại công cụ đầu tư an toàn dâng cao. Thị trường Mỹ giảm điểm sâu hơn sau khi cơ quan dịch vụ tài chính Đức cho biết, sẽ áp dụng lệnh cấm tạm thời đối với hành vi bán khống vô căn cứ đối với trái phiếu chính phủ nhóm nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu. Lệnh cấm bán khống cũng được áp dụng với cổ phiếu của 10 ngân hàng, công ty bảo hiểm trong đó bao gồm Allianz SE và Deutsche Bank AG.

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones Industrial "bốc hơi" 114,88 điểm, tương ứng 1,1%, xuống 10.510,95 điểm. Hàn thử biểu Standard & Poor 500 mất 1,4%, đóng cửa ở 1.120,8 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,6%, thoái lui về ngưỡng 2.317,26 điểm. Trên thị trường New York, cứ 4 mã cổ phiếu xuống giá mới có 1 mã tăng.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu đón nhận phiên khởi sắc đầu tiên trong 3 ngày. Chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu thuộc khu vực Eurozone DJ Stoxx 600 thăng hoa 1,3%, leo lên ngưỡng 251,3 điểm, co hẹp biên độ điều chỉnh từ mức đỉnh cao nhất kể từ đầu năm xuống 7,7%.

Theo số liệu từ Bloomberg, chỉ số P/E toàn thị trường hiện ở mức 16x – thấp nhất trong 14 tháng. Sắc xanh trải khắp trên 15 bảng điện tử các thị trường. Chứng khoán Anh tăng 0,9%. Các chỉ số gồm DAX 30 của Đức và CAC 40 của Pháp lần lượt ghi thêm 1,5% và 2,1%.

Đà giảm của chứng khoán châu Á chậm lại. Quan ngại xoay quanh cơn bão khủng hoảng nợ tại châu Âu lắng dịu. Lực cầu tham gia bắt đáy mạnh giúp hầu hết hàn thử biểu các thị trường chủ chốt khu vực cùng đóng cửa trong sắc xanh. Khép lại phiên giao dịch trồi sụt, chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI co hẹp biên độ giảm về 0,3%, xuống 116,33 điểm. Cứ 5 mã cổ phiếu mất giá thì cũng có 4 mã tăng. Như vậy, thống kê từ mức đỉnh cao nhất trong năm được thiết lập hôm 15/4, chỉ số này đã bốc hơi 9,9%.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục chấm dứt chuỗi 5 phiên giao dịch đỏ sàn liên tiếp. Chỉ số tổng hợp Shanghai Composite thăng hoa 1,4% từ mức đáy thấp nhất trong hơn 1 năm. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu đà phục hồi sau khi Morgan Stanley nâng hạng mức tín nhiệm đối với các nhà cho vay Trung Quốc. Thị trường phản ứng tích cực trước những thông tin liên quan đến việc Bắc Kinh có thể sẽ bơm thêm các công cụ tài chính nhằm kích thích tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Chung với nhà đầu tư Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong cũng nhảy vọt 1,2%. Bảng điện tử Straits Times của Singapore khởi sắc 0,4%. Ở Tây Á, chứng khoán Ấn Độ tăng 0,2%. Trong khi đó, tại châu Đại Dương, hàn thử biểu S&P ASX 200 của Australia nhích nhẹ 0,1%. Song, chứng khoán Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt hạ 0,5% và 0,2%.

Tại Tokyo, phong vũ biểu Nikkei 225 bật xanh 0,1%. Riêng Topix Index lại quay đầu trượt mạnh 0,7%. Giới đầu tư tỏ ra khá thận trọng bất chấp mặt bằng giá chứng khoán đã xuống những ngưỡng hấp dẫn, đặc biệt sau khi thị trường đã trải qua 2 phiên điều chỉnh mạnh, cuốn trôi trên 4% giá trị của Nikkei. Hôm qua, Bộ thương mại Nhật Bản cho biết, nhu cầu đối với ngành dịch vụ trong nước giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 3.

Theo Nguyễn Hùng (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm