Khu vực chân cầu Long Biên phía nội thành được coi là một trong những “điểm nóng” về việc tè bậy tại Hà Nội.
Tè bậy như cơm bữa
Tại đây, do có chợ đầu mối Long Biên và trạm trung chuyển xe buýt, lượng người qua lại rất lớn nên tình trạng đi vệ sinh không đúng nơi quy định thường xuyên diễn ra.
“Họ tiện thì tè thôi, kể cả nam hay nữ. Ngày nào cũng bán hàng ở đây nên bắt gặp 2-3 người tè bậy trong buổi sáng không phải là hiếm” – một chủ quán trà đá tại chân cầu Long Biên cho biết.
Khu vực chân cầu Long Biên bị người dân tè bậy khiến bốc mùi hôi nồng nặc.
Ghi nhận thực tế, tại hai đầu lên – xuống của cầu Long Biên, nhiều mảng tường của thành cầu do bị người dân tiểu bậy quá nhiều dẫn đến ố vàng. Dù mới chỉ tới gần khoảng chục mét, mùi hôi và khai của nước tiểu đã bốc lên rất nặng.
Đáng chú ý, đây đều là những khu vực mà CSGT thường xuyên có mặt để làm nhiệm vụ, nhưng một số người vẫn vô tư vi phạm.
Nói về lí do tiểu tiện không đúng nơi quy định, nhiều người cho rằng do thiếu nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, chỉ tính riêng chân cầu Long Biên đã có tới hai nhà vệ sinh công cộng được lắp đặt. Vậy nhưng, thay vì tiểu tiện đúng nơi, nhiều người lại chọn cho mình những mảng tường của thành cầu cách đó khoảng 20 mét.
“Chẳng đâu như Hà Nội, mỗi lần đi qua là cái mùi khai và hôi đặc trưng xộc lên tận mũi. Cũng không thể hiểu, nhà vệ sinh ngay gần đó, họ không vào vệ sinh mà lại cứ chọn thành cầu là sao. Hành vi hết sức thiếu văn hóa, nhìn những vết loang lổ, ngả màu vì nước tiểu mà hãi” – anh Nguyễn Hữu Dánh, nhân viên một công ty trên đường Yên Phụ chia sẻ.
Một phụ nữ bán hàng rong vô tư tè bậy tại khu vực gầm cầu Long Biên.
Kiến nghị phạt lao động công ích
Bà Trịnh Tuyết Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực (Ba Đình, Hà Nội) cho biết địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng người dân đi vệ sinh không đúng nơi quy định.
Theo đó, khu vực quản lí của phường có trạm trung chuyển xe buýt Long Biên, một trong những nơi có lượng người đông đúc. Cũng vì số lượng người đông, việc đi vệ sinh bừa bãi đang trở thành một vấn đề cần chú trọng giải quyết.
Một góc chân cầu Long Biên khác cũng là nơi "ưa thích" tè bậy của nhiều người.
“Tuy nhiên, những người vi phạm chủ yếu là lao động nghèo, làm nghề bốc vác tại khu chợ Long Biên và chợ Đồng Xuân hoặc bán hàng rong,... Mức phạt hiện nay lên tới 3 triệu đồng là quá lớn đối với họ” – bà Thanh nói.
Vị phó chủ tịch khẳng định việc tè bậy là sai, nhưng cần có hướng xử lý phù hợp hơn. Bà kiến nghị nên có thêm hình phạt lao động công ích từ một đến ba ngày đối với những trường hợp người vi phạm là lao động nghèo, nhận thức còn hạn chế hoặc vi phạm lần đầu. Biện pháp này vừa đảm bảo tính răn đe vừa có thể giáo dục cho người dân.
Từ ngày 1-2-2017, Nghị định 155/2016 thay thế Nghị định 179/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (quy định cũ 200.000 đồng đến 300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. |