Đây là mức cao nhất trong bảng phí dịch vụ chung cư do TP Hà Nội ban hành. Tuy nhiên, dịch vụ trong tòa nhà bị cắt giảm khá nhiều so với trước. Cụ thể, mỗi tòa nhà bị cắt một nửa số thang máy (chỉ còn 5/10 thang máy hoạt động); các gia đình hằng ngày phải tự mang rác xuống đổ tại tầng hầm thay vì được thu gom tại các tầng như trước đây. Đơn vị quản lý còn cắt dịch vụ lễ tân, rút bớt bảo vệ, rút ngắn thời gian chiếu sáng và giảm nước dùng cho khu vực công cộng, đóng cửa các phòng tiện ích…
Theo Chestnut Vina, mức phí 4.000 đồng/m2 được thu trước khi có thống nhất về mức phí quản lý mới (trước đó, phí dịch vụ chung cư Keangnam là trên 18.000 đồng/m2). Việc thu hẹp dịch vụ như vậy dẫn đến việc quản lý tòa nhà bị hạn chế và cư dân phải tự chịu trách nhiệm về việc giá trị căn hộ giảm sút cũng như các thiệt hại về tài sản. Nếu trong một tháng không thể thỏa thuận mức thu phí mới, Chestnut Vina không thể tiếp tục vận hành chung cư trong tình trạng thua lỗ.
Việc cắt giảm thang máy tại tòa nhà làm cư dân phản ứng. Ảnh: Cẩm Ngọc
Ngày 3-1, ban đại diện lâm thời của tòa nhà Keangnam có đơn đề nghị UBND TP Hà Nội buộc Chetsnut Vina phải giữ nguyên số lượng thang máy, vận chuyển rác thải, cung cấp các dịch vụ vệ sinh, lễ tân, bảo vệ… Ban đại diện lâm thời cũng đề nghị TP khẩn trương hướng dẫn về việc thành lập ban quản trị nhà chung cư, để việc bầu ban quản trị được tiến hành ngay đầu năm nay. Trước đó UBND TP Hà Nội đã yêu cầu trong thời gian chưa thống nhất được giá dịch vụ, đơn vị quản lý tòa nhà phải tiếp tục cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Các hộ dân trong tòa nhà có nghĩa vụ trả tiền cho các dịch vụ này.
Ông Trần Hợp Dũng, Trưởng phòng Quản lý kinh tế - Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết: Về nguyên tắc, thang máy có trong tòa nhà phải được vận hành hết. Còn việc cắt giảm các dịch vụ khác trong tòa nhà Keangnam thì cần phải có kiểm tra cụ thể. Sở Xây dựng TP sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và có hướng dẫn để các bên thỏa thuận trước tết Nguyên đán.
HOÀNG VÂN