Sau tết, tôi đón xe vào TP.HCM. Chưa kịp giã từ người thân thì một chiếc 50 chỗ trờ tới mang theo cái mùi dầu phanh khét lẹt. Đang lưỡng lự thì bị gã phụ xe túm hành lí kéo tôi lên xe như thể bắt cóc.
Trên xe lúc này kẻ đứng người ngồi chật kín từ đầu đến cuối xe, che hết tầm nhìn ấy thế mà tài xế vẫn tiếp tục nhồi nhét khách. Nỗi lo lớn dần trong tôi. Cái mùi khét lẹt khi nãy đó đã gợi cho tôi nhớ tới thời lái xe bao cấp. Thời ấy, phụ tùng khan hiếm nên chỉ khi nào cúp-ben trong bầu phanh (vòng chận dầu) thật sự bị bể, xì dầu mới được thay thế. Tài xế nào thật tinh ý mới phát hiện cái mùi sự cố này khi vừa mới chớm. Và phải khắc phục ngay, nếu không sẽ dẫn đến mất phanh hoàn toàn do dầu phanh đã cạn.
Tôi ái ngại nhìn gần trăm con người đang ngồi, đứng chen chúc trên xe, sinh mạng họ giờ đây đang gặp nguy hiểm, phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng, nhận thức của người tài xế phía trước. Không biết anh ta có biết phanh xe mình đang có vấn đề? Còn tôi, muốn tiến gần ghế lái, để bày tỏ nỗi lo của mình với tài xế nhưng không thể nào chen lên được vì xe quá chật. Tôi cố len ra đứng gần cửa lên xuống, chờ cơ hội tiếp xúc tài xế mà lòng như có lửa đốt.
Xe vẫn suốt buổi ra vào nhặt khách nhưng tuyệt nhiên không dừng lại. Không tiếp cận được tài xế, nóng lòng tôi đánh liều bắt chuyện với gã phụ xe tuổi chừng con mình, nhưng mặt lúc nào cũng hằm hằm: “Em có nghe cái mùi khen khét không?”. Hắn quắc mắt: “Mùi con mẹ gì, nhiều chuyện!”. Tôi kiên nhẫn: “Cái mùi dầu phanh bị cháy đó mà, tôi là tài xế nên biết cái mùi nguy hiểm này”. “Tài xế…cái mùi nguy hiểm… Đồ rỡm… Nói gở tao tống cổ xuống xe bây giờ”! Thật lòng tôi cũng muốn xuống xe để thoát mối hiểm họa này, nhưng sao có điều gì đó cầm chân tôi lại.
Quá trưa, bước chân vào quán cơm “tù” tôi mới thấy trái đất này quả là chật chội! Không ngờ người tài xế mình cần gặp ấy chính là Tuấn! Thằng bạn một thời cùng trường lái, hắn với tôi có khúc mắc lớn trong kì thi lấy bằng lái. Ngày ấy, tôi định bụng nếu còn gặp nhau sẽ dạy cho hắn một bài học nhớ đời nhưng vẫn chưa có cợ hội.
Ngày ấy, có lẽ thuộc ‘diện” con ông cháu cha, nên Tuấn nhập học khi khóa học vừa kết thúc chương trình lý thuyết, chuyển sang thực tập tay lái. Đã thế, hắn không chuyên tâm bổ khuyết kiến thức mà chỉ ăn chơi và nói bốc phét.
Hội đồng thi hôm ấy làm việc rất nghiêm túc. Bài thi được chấm nhanh bằng phương pháp đáp án đục lỗ. Hết giờ, thí sinh nộp bài thi trắc nghiệm của mình rồi về chỗ chờ gọi lên ký vào phiếu kết quả với hội đồng thi. Trước tình hình thi cử đó, không biết ai tuồn cho Tuấn một bộ đáp án. Làm xong bài, hắn đợi tôi lên nộp bài rồi phi tang ngay bộ đề ấy sang hộc bàn bên cạnh, chỗ tôi ngồi! Cuối phiên thi, để chuẩn bị cho lượt thi kế tiếp, giám thị tiến hành kiểm tra lại chỗ thí sinh ngồi. Thế là tôi bị gọi lên, dù hết mực thanh minh, nhưng vẫn bị lập biên bản về tội vi phạm quy chế. Trước lớp, tôi chỉ cần Tuấn công nhận bộ đáp án đó là của hắn. Nhưng hắn tuyệt nhiên nói không! May mà có thầy chủ nhiệm bảo lãnh, tôi mới được thi đợt vét sau đó mấy tuần.
Giờ đây, số phận đưa đẩy tôi gặp hắn trong hoàn cảnh này không khác gì oan gia gặp nhau ngõ hẹp! Tôi phừng phừng lửa giận, nhưng rồi chợt nhận ra trong điều kiện này nếu manh động thì thật bất lợi cho mình, vả lại còn một việc quan trọng cần làm kia mà. Ngoài sân, cánh cửa cơm “tù” đã khép, dưới sự canh gác của mấy tay đầu gấu, chúng sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để lấy lòng chủ. Trong quán ăn thì Tuấn ngồi chễm chệ cùng hai gã phụ xe được bọn chủ tớ quán phục vụ như vua con. Tôi kìm lòng lại, giả bộ thản nhiên tới đứng trước mặt hắn. Nhận ra tôi, hắn một thoáng bối rối rồi nhanh chóng làm mặt vui, chào hỏi giả lả: “ Ủa “Đại ca” cũng dùng “trạm” này cho khách nghỉ chân hả, chuyển sang lái xe khách hồi nào vậy?”. Tôi nói móc: “Tớ bằng biếu gì mà lái xe khách với xe tải, là hành khách ngồi trên xe cậu đó” – “Trời! sao “đại ca” không cho “đệ” biết để bố trí chỗ ngồi đàng hoàng”.
Tôi vào thẳng vấn đề với thằng “đệ” mình: “Cậu có biết phanh xe mình đang có vấn đề không? Tớ ngồi sau mà sốt cả ruột”. Tưởng rằng mình vừa cung cấp một thông tin quan trọng cứu hắn, ai ngờ hắn dửng dưng: “Việc đó tớ biết cả tuần nay rồi, cứ châm thêm dầu mà chạy, thỉnh thoảng mới phanh một lần có sao đâu, đừng lo bò trắng răng”! Tôi giải thích: “Nhưng rồi một lúc nào đó cúp-ben sẽ bể làm mất phanh hoàn toàn, rất nguy hiểm. Vả lại việc thay thế cũng không mất nhiều thời gian, sao không làm?”. Tuấn nhìn tôi cười như với một kẻ ngây ngô: “Với xe khách, mỗi năm chỉ có một mùa làm ăn vào dịp tết, không lai rai như xe tải. Chỉ vài tuần nữa là xe nằm mốc bánh, lúc ấy muốn sửa đếch gì chả được”. Tôi gợi ý thiệt hơn: “Nghỉ một buổi, một ngày còn hơn bị cảnh sát giao thông phạt nặng, thu bằng, giam xe, tệ hơn nữa là gây tai nạn…”. Tuấn lại cười to hơn: “Thưa “đại ca”, là tài xế chúng ta còn lạ gì…”. Tôi cố phân tích: “Xe tải chở hàng khác với xe khách chở người, cảnh sát giao thông không du di chuyện này đâu... ”. Hắn, vẫn cái lối nói hài hước: “Vậy đệ hỏi “đại ca” đồng tiền của tài xế xe tải khác đồng tiền tài xế xe khách chỗ nào? Cả tháng nay mỗi ngày “người ta” hươ gậy, tuýt còi năm lần bảy lượt mà có ai đến gần xe xem đệ chở gì không. Ha ha!...”. Trước một sự việc quan trọng đến thế mà hắn vẫn còn đùa được, tôi đành nghiêm giọng cầu may: “Hãy nể tớ ngồi trên xe, cậu phải bảo đảm an toàn cho chuyến đi này, bằng cách hãy thường xuyên châm thêm dầu phanh cho xe từ đây đến bến cuối cùng”. “Chuyện nhỏ, mời “đại ca” uống vài ly cho giãn gân cốt đã…”.. Nói rồi hắn nâng ly rượu lên làm một cái ót, sạch trơn!
... Xe qua một cung đường vòng, thấy phía trước có khách, Tuấn cho xe tăng tốc bởi đằng sau cũng có một chiếc khác muốn vọt lên tranh khách. Hắn vẫn cái lối lái xe “hạng bét” ngày nào ở trường, gần đến nơi tôi mới nghe tiếng hơi xịt xịt phát ra từ hệ thống phanh. Rồi… xe không dừng mà như con trâu điên lao thẳng vào đám khách đang đứng lố nhố đón xe dưới đường! Tức thì tai tôi nghe bộp… bộp… liên tiếp phát ra từ phía đầu xe đến rợn người. Sau một hồi chơi vơi mất kiểm soát, chiếc xe chỉ chịu dừng khi đã nằm gọn giữa bụi tre ven đường. Khách trên xe tuôn xuống như ong vỡ tổ, cũng may không ai bị thương nặng, ngoài gã phụ xe đang quằn quại dưới mặt đường do nhanh nhẩu lao ra đón khách.
Tôi chạy ngược trở lại nơi xảy ra tai nạn ban đầu. Và không thể tin nổi mắt mình! Quá nửa số người đón xe lúc nãy đã nằm bất động dưới đất, đa phần hình hài không còn nguyên vẹn. Những người còn lại thì đứng như trời trồng, ai nấy mắt cơ hồ muốn vọt ra khỏi hốc. Bỗng trong số họ, một phụ nữ lao tới ôm lấy một nạn nhân gào lên thảm thiết “Con ơi! Ahhh!...”. Tiếng khóc đã làm đám đông sực tỉnh. Tức thì tiếng “Con ơi! Anh ơi! Chị ơi! Mẹ ơi! Cha ơi!”... vang tận trời xanh…
Trong cảnh đau thương ngút ngàn đó, trên đường xe cộ vẫn hối hả qua lại tranh cuộc bể dâu. Tuấn đã nhanh chóng biến mất tại hiện trường…
Trần Kiêm Hạ