Bộ GTVT đang tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định quy định về cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; niên hạn sử dụng của xe cơ giới.
Theo pháp luật hiện hành, niên hạn xe ô tô đang được quy định chung chung. Cụ thể, xe ô tô chở hàng có niên hạn không quá 25 năm, xe tô tô chở người không quá 20 năm, xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 1-1-2002 có niên hạn không quá 17 năm.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ 1-1-2025, giao Bộ GTVT đưa ra quy định cụ thể về niên hạn sử dụng của xe cơ giới. Vì vậy, Bộ GTVT đang tham mưu Chính phủ sửa đổi quy định về niên hạn sử dụng xe cơ giới.
Theo đó, dự thảo nghị định bổ sung quy định về niên hạn của xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và quy định cụ thể cách tính niên hạn sử dụng của xe cơ giới.
Cụ thể, niên hạn xe ô tô được quy định như sau: Không quá 25 năm đối với ô tô chở hàng (ô tô tải), ô tô chở hàng chuyên dùng (ô tô tải chuyên dùng), xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ. Không quá 20 năm đối với ô tô chở người có từ 10 chỗ ngồi trở lên (kể cả chỗ người lái), ô tô chở người chuyên dùng, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ. Xe chở trẻ em mầm non và học sinh không quá 20 năm.
Các xe không quy định niên hạn gồm: xe mô tô, xe máy; xe ô tô chở người có số người cho phép chở đến 8 người (không kể người lái xe), xe ô tô chuyên dùng, rơ moóc, sơ mi rơ moóc; Xe cơ giới của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Niên hạn sử dụng của xe cơ giới được tính bắt đầu từ năm sản xuất xe đến hết ngày 31-12 của năm hết niên hạn sử dụng. Một số trường hợp đặc biệt khi được Thủ tướng cho phép, niên hạn sử dụng được tính từ năm đăng ký xe ô tô lần đầu.