Di tích Ba Son: Giữ nguyên trạng hay làm mô hình?

Hôm nay, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng sẽ diễn ra tọa đàm khoa học với chủ đề “Di tích lưu niệm Tôn Đức Thắng tại TP.HCM - dấu ấn phong trào Sài Gòn-Chợ Lớn những năm 1920”. Nhắc đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng, không thể không nhắc đến Nhà máy đóng tàu Ba Son. Từ nơi xưởng đóng tàu đầu tiên của Việt Nam này, người thợ máy Tôn Đức Thắng đã gầy dựng và lãnh đạo phong trào công nhân đấu tranh yêu nước. Khu vực này cần được bảo tồn theo hướng nào hiện đang gây tranh cãi khi có phương án quy hoạch nơi đây thành khu thương mại phức hợp giải trí, văn hóa, giáo dục và nhà ở.

Hai di tích trên 100 năm tuổi

Về lịch sử hình thành khu Ba Son, năm 1774, Nguyễn Ánh đã cho lập xưởng Chu Sư (xưởng Thủy). Năm 1861, Pháp chiếm lĩnh Sài Gòn. Ngày 28-4-1863, Pháp đã thành lập Thủy xưởng (Arsenal) Ba Son để sửa chữa tàu chiến, tàu buôn. Năm 1884, Pháp xây dựng thêm một ụ tàu lớn để làm căn cứ sửa chữa các hạm đội Pháp ở Viễn Đông.

Xưởng cơ khí đã được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1993, khu vực này còn được gọi là điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn đức Thắng. Công trình ụ tàu cũng đã được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đề nghị bổ sung vào khu vực cấu thành di tích địa điểm lưu niệm nói trên. Cục Di sản văn hóa sau đó cũng đã có văn bản nhất trí với đề nghị này.

Ngoài ra, UBND TP cũng đã đưa công trình ụ tàu vào danh mục kiểm kê các công trình, địa điểm có đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích. Theo Luật Di sản văn hóa, với những công trình, địa điểm đã được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương thì sẽ được bảo vệ theo luật này. Do vậy, ụ tàu đã là đối tượng được bảo vệ.

Di tích Ba Son: Giữ nguyên trạng hay làm mô hình? ảnh 1

Ụ tàu cổ trong xưởng Ba Son. (Ảnh TL chụp năm 2009)

Bên muốn giữ, bên muốn quy hoạch lại

Từ nhiều năm trước đến nay, các ngành chức năng đã có ý kiến chênh nhau về việc bảo tồn khu vực này. Năm 2011, phía Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (thuộc Bộ Quốc phòng) cho rằng xưởng cơ khí sau nhiều thập kỷ sử dụng đã xuống cấp. Do phải thường xuyên cải tạo, nâng cấp nên đến nay cấu trúc công trình đã thay đổi. Giá trị bảo tồn cơ bản công trình đã không còn nguyên vẹn như một di tích. Đơn vị này đề xuất bảo tồn công trình xưởng cơ khí theo hướng bảo tồn không gian của Nhà máy Ba Son bằng mô hình, nhằm tái hiện, giữ gìn giá trị lịch sử cũng như lưu giữ hình ảnh kiến trúc khu Ba Son. Đồng thời, xây dựng Nhà truyền thống Ba Son tại khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son.

Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và các đơn vị liên quan dự kiến nghiên cứu xây dựng phương án bảo tồn di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xưởng cơ khí như sau:

1. Tu bổ nhà xưởng:

- Chỉnh trang kiến trúc mặt đứng nhà xưởng (tường, mái, cửa, sân vườn xung quanh, nền nhà xưởng).

- Tu bổ nội thất một phần nhà xưởng cơ khí diện tích 589 m2.

2. Cải tạo một phần nhà xưởng cơ khí thành Nhà truyền thống Ba Son, là không gian trưng bày các hình ảnh, hiện vật gắn liền với lịch sử hình thành Nhà máy Ba Son và hoạt động của bác Tôn.

Riêng về ụ tàu, đơn vị này đề xuất làm mô hình ụ tàu có mô tả việc tàu di chuyển ra vào ụ tàu nhằm tái hiện lại cho người xem hiểu được chức năng của ụ tàu.

Sở VH-TT&DL TP.HCM lúc bấy giờ đã không đồng tình với quan điểm trên. Đại diện sở này trích dẫn Điều 32 sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để cho rằng khu vực xưởng tàu “phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian”. Do vậy, các đề nghị di dời công trình xưởng cơ khí hoặc chỉ lập mô hình để bảo tồn (kể cả việc lập mô hình toàn bộ khu vực Ba Son) là không phù hợp với luật định. Bên cạnh đó, các công trình, địa điểm ghi dấu ấn hoạt động của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng trên địa bàn TP không còn nhiều nên cả hai công trình ụ tàu và nhà xưởng đều cần được bảo vệ.

Mới đây, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tiếp tục nghiên cứu xây dựng phương án giữ lại một phần nhà xưởng, bảo tồn khu vực này theo hướng làm mô hình và giải tỏa khu vực để xây dựng khu thương mại dịch vụ phức hợp. Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP cho biết Sở đang tập hợp tài liệu để xin ý kiến của UBND TP và Bộ VH-TT&DL. Quan điểm của Sở là cần phải thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa bảo tồn nguyên trạng ụ tàu và xưởng cơ khí.

Ông PHAN HỮU THIỆN, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng:

Ba Son là di tích lịch sử liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng quan trọng hàng đầu đáng được lưu giữ nguyên trạng cho các thế hệ sau. Di tích này thuộc đất của Bộ Quốc phòng nên lâu nay người dân không được vào tham quan, không phát huy được giá trị của di tích. Thời còn đương nhiệm, tôi ước gì được đổi cả Bảo tàng Tôn Đức Thắng lấy khu vực Ba Son để mở làm du lịch sông nước, mở cửa cho người dân tham quan, phát huy giá trị di tích này. Nếu không giữ nguyên hiện trạng di tích thì chúng ta rất có lỗi với các bậc tiền bối, với các thế hệ con cháu sau này. Tiền thì túc tắc chúng ta rồi sẽ có được nhưng những gì thuộc về di tích thì không thể có lại lần thứ hai. Mỗi lần vào thăm di tích này, tôi xót xa cho một di tích giá trị lớn lao nhưng rất ít người được biết đến.

NGUYỄN THẾ THANH, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP:

Ở Việt Nam chỉ có Ba Son có xưởng đóng tàu và ụ tàu cổ. Đây là khu vực minh chứng cho nền công nghiệp tàu thủy của nước ta đã có lâu đời. TP từng có nhà ga xe lửa cổ, rất tiếc là chúng ta đã không lưu giữ lại được. Tôi tự nhận đó là thất bại của những người quản lý di sản.

Nếu cần phát triển trung tâm thương mại thì tại sao không giữ ụ tàu để bảo tồn bảo vệ ụ tàu không mục nát nữa. Điều đó sẽ tôn thêm giá trị tương lai của Sài Gòn, làm cho Sài Gòn khác biệt với những thành phố khác vì nó có ký ức lâu đời, nó gắn với phong trào công nhân, là thành phố công nghiệp, thành phố mở. Một thành phố phải có ký ức cụ thể, câu chuyện cụ thể, có con người, sự vật cụ thể. Nếu chỉ giữ một phần xưởng lại, biến ụ tàu thành mô hình thì nó không còn linh hồn của một di tích.

Xây trung tâm thương mại thì còn nhiều chỗ khác, sao cứ phải đụng vào chỗ di tích? Nếu xây trung tâm thương mại, mật độ dân số khu trung tâm sẽ cao, lại càng không nên.

Ở các nước, khi quy hoạch đụng đến di tích người ta ngừng ngay. Ngay thủ đô nước Bỉ, người ta đào đường phố phát hiện có đường hầm cổ, ngay lập tức họ dừng. Tòa lâu đài cổ ở Hy Lạp chỉ còn mỗi một cây cột họ cũng giữ lại. Đấu giác đài của thành Rome nghiêng, lỗ chỗ nhưng người ta vẫn để như thế để nuôi dưỡng cảm xúc cho người tham quan. Lịch sử bao giờ cũng là ngày hôm qua, nếu hôm qua không có thì làm sao có ngày nay.

Tôi không tán thành quan điểm tu bổ bảo tồn một phần di tích, làm như vậy còn gì là di tích. Cần bảo tồn nguyên trạng nhà xưởng. Khu vực ụ tàu, chỉ được xây những công trình phát huy giá trị di tích. Cần phát huy nơi đây thành một công viên di tích bờ sông, cho người dân vào tham quan, cho họ biết nơi đây có xưởng thủy, có ụ tàu. Người dân vào được xem phim tư liệu, được tàu nhỏ chở họ ra ụ tàu tham quan. Nuôi dưỡng cảm xúc cho các thế hệ đến xem di sản là một giá trị không bao giờ là nhỏ.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm