Cần bố trí vốn trả nợ cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính thực hiện nghĩa vụ trả nợ khoản vay Hiệp định đã ký với Trung Quốc theo đúng quy định Luật Quản lý nợ công và pháp luật có liên quan; không để ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ.

Bộ GTVT được chỉ đạo sớm bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội theo đúng quy định để có nguồn trả nợ vay lại theo cơ chế tài chính dự án.

“Trong khi dự án chưa bàn giao, đến hạn phải trả nợ cho vay lại nhưng chưa có nguồn trả nợ cho Bộ Tài chính, Bộ GTVT cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng…” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cần bố trí vốn trả nợ cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ảnh 1
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: V.LONG

Về lãi phạt chậm trả cho Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án thực hiện trả nợ theo hợp đồng cho vay lại đã ký và theo quy định pháp luật hiện hành.

Trường hợp phát sinh lãi phạt chậm trả và chưa có nguồn thanh toán, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Về khoản giải ngân vốn cho vay lại, theo Phó Thủ tướng hiện nay dự án chưa hoàn thành, hạn mức vay vẫn còn, trong thời hạn hợp đồng vay với nước ngoài, có khối lượng đã thực hiện. Do đó nếu đủ điều kiện giải ngân theo quy định pháp luật thì Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện giải ngân phần vốn vay lại của dự án để thanh toán cho nhà thầu theo quy định.

Trường hợp có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền, Bộ Tài chính thống nhất với các bộ ngành liên quan kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, đảm bảo khả thi, không ảnh hưởng tiến độ dự án theo hợp đồng đã ký kết.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT thực hiện đầy đủ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về dự án này, đảm bảo không để xảy ra sai sót trong việc giải ngân mới.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đầu tư bằng vốn ODA Trung Quốc với tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD (tương đương 8.700 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay Trung Quốc 419 triệu USD, vốn đối ứng trong nước là 113 triệu USD.

Sau đó, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 891 triệu USD (tương đương 18.792 tỉ đồng), trong đó vốn vay Trung Quốc bổ sung là 250 triệu USD từ năm 2017.

Hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành công tác xây dựng. Tuy nhiên, đến nay Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng vẫn chưa chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư đối với dự án để làm cơ sở tiến hành bàn giao công trình đưa vào vận hành khai thác.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13 km, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có bốn toa, sức chở tối đa 1.326 người, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/giờ.

Nhân sự vận hành toàn hệ thống dự kiến gần 700 người, trong đó 200 người được đào tạo ở Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm