Đồng Nai cần hơn 28.000 tỉ đồng xây dựng 4 tuyến đường huyết mạch

Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, thời gian tới, Đồng Nai sẽ xây dựng bốn tuyến đường huyết mạch, trong đó có hai tuyến đường cao tốc và hai đường vành đai TP.HCM. Để xây dựng bốn tuyến đường này cần nguồn vốn tổng khoảng 28.000 tỉ đồng.

Theo thông báo Kết luận số 149 của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp ngày 14-5 về triển khai các dự án thành phần trên tuyến vành đai 3, vành đai 4 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT thực hiện điều phối, tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến vành đai 3, vành đai 4, phấn đấu hoàn thành hai tuyến này trong giai đoạn 2021-2025. 

Xây dựng hai tuyến cao tốc

Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết trên địa bàn tỉnh được quy hoạch năm tuyến đường cao tốc và hai tuyến đường vành đai TP.HCM. Trong đó, tuyến cao tốc gồm TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng và hai tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành đã được Bộ GTVT triển khai đầu tư với tổng chiều dài khoảng 157 km. Hiện còn hai tuyến cao tốc chưa được triển khai thực hiện là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua tỉnh Đồng Nai) và cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (một thành phần của dự án Dầu Giây - Liên Khương).

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Bộ GTVT tổ chức lập và phê duyệt đề xuất dự án vào năm 2010 và năm 2016 theo hình thức BOT. Trong đó, phạm vi đầu tư giai đoạn 1 từ Biên Hòa đến Phú Mỹ dài khoảng 38 km và đường nối vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải dài 8,8 km.

Ngày 27-4-2021, Bộ KH&ĐT tổ chức họp hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (hợp đồng BOT). Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành chủ trì cuộc họp, cho biết đây là tuyến huyết mạch quan trọng nhất của khu vực Đông Nam bộ, trung tâm cảng lớn nhất cả nước. Do vậy, cần có định hướng đầu tư, tầm nhìn dài hạn để không để lãng phí ngân sách nhà nước.

Tuyến quốc lộ 51 đoạn qua tỉnh Đồng Nai đã quá tải, thường xuyên rơi vào tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Ảnh: VŨ HỘI

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án này sẽ được đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT), có tổng chiều dài 53,7 km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km với mức đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng, đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài 19,5 km mức đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 19.000 tỉ đồng. Dự kiến khai thác cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào năm 2025.

Đối với dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có chiều dài hơn 200 km từ thị trấn Dầu Giây đến đầu đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) thuộc quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2030. Dự án này được chia thành ba dự án thành phần gồm: Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Trong đó, dự án thành phần Dầu Giây - Tân Phú dài 60 km tổng kinh phí khoảng 6,4 ngàn tỉ đồng. Tuyến đường thiết kế bốn làn xe, tốc độ 80-100 km/giờ.

Chạy đua hai tuyến vành đai

Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cũng cho biết dự án đường vành đai 3 có tổng chiều dài 89,1 km đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Tuyến đường này đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM. Theo kế hoạch, dự án sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020. Tuy vậy, đến nay mới chỉ có đoạn số 2 từ Mỹ Phước - Tân Vạn với chiều dài 16,3 km được tỉnh Bình Dương đầu tư.

Đối với Đồng Nai, sau khi được phân tách, dự án đường vành đai 3 có hai dự án thành phần 1A và 2A sẽ được triển khai. Trong đó, dự án thành phần 1A có chiều dài hơn 8,7 km, điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP Thủ Đức
(TP.HCM). Theo dự kiến, dự án thành phần 1A sẽ được khởi công trong quý III-2021.

Riêng phân đoạn 2A, chiều dài khoảng 5 km có điểm đầu giao cắt với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và điểm cuối giao cắt với đường tỉnh 25B. Theo tính toán, để thực hiện hai dự án thành phần này, nguồn vốn để giải phóng mặt bằng riêng trên địa bàn Đồng Nai là hơn 2.000 tỉ đồng.

Đối với tuyến đường vành đai 4, được quy hoạch có chiều dài 198 km đi qua năm tỉnh, thành gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Tại Đồng Nai, dự án đi qua ba huyện Long Thành - Trảng Bom - Vĩnh Cửu với tổng chiều dài khoảng 47 km, kinh phí đầu tư hơn 8 tỉ đồng.

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 15-6 giữa Bộ GTVT với các địa phương về thực hiện dự án đường vành đai 3, 4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường vành đai 3, 4, tỉnh Đồng Nai đã giao Sở GTVT chủ trì để phối hợp với các đơn vị triển khai các nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá tuyến đường vành đai 3, 4 có ý nghĩa rất quan trọng trong liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các địa phương cần hoàn thiện các thủ tục liên quan để thực hiện đầu tư sớm nhằm hoàn thành mục tiêu đã được Chính phủ đưa ra, hoàn thành xây dựng toàn bộ tuyến đường vành đai 3 trong giai đoạn 2021-2025. Riêng đối với đường vành đai 4 phải hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.

Khởi công ba dự án lớn vào cuối năm nay

Theo kế hoạch trong năm 2021, tỉnh Đồng Nai sẽ khởi công xây dựng ba dự án lớn có tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỉ đồng, nguồn vốn để thực hiện ba dự án này dự kiến sẽ lấy từ nguồn đấu giá đất công. Các dự án có vốn “khủng” đều nằm ở TP Biên Hòa gồm dự án ven sông Đồng Nai, dự án đường ven sông Cái, dự án xây dựng đường trục trung tâm TP Biên Hòa.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của COVID-19 và công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng cho các dự án chưa hoàn thành nên tiến độ khởi công ban đầu hiện đã “lỡ hẹn” so với kế hoạch. Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, những dự án này sẽ dự kiến khởi công xây dựng vào cuối năm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm