TAND huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế) vừa bác đơn kiện của ông Nguyễn Xuân Hòa ở xã Vinh Hưng vì cho rằng ông không chứng minh được yêu cầu của mình. Trước đó, ông đã kiện chủ tịch UBND huyện Phú Lộc đòi bồi thường 850.000 con tôm thẻ chân trắng, 150.000 tôm sú và 30 tháng thu nhập gia đình, tổng cộng hơn 3,6 tỉ đồng.
Chỉ răn đe mà thôi…
Theo đơn kiện, tháng 5-2009, ông Hòa thuê đất ở vùng đầm phá Tam Giang nuôi tôm. Ngày 12-8-2009, Ủy ban huyện Phú Lộc xử phạt ông 3 triệu đồng vì cho rằng việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đầm phá này là vi phạm quy định. Tiếp đó, hội đồng cưỡng chế của ủy ban đến đổ thuốc độc vào hồ làm chết toàn bộ tôm của ông.
Bị thiệt hại, ông Hòa khiếu nại nhưng không được huyện chấp nhận. Ông tiếp tục khiếu nại lên tỉnh và nơi đây đã xác định ủy ban huyện có nhiều sai sót, phải bãi bỏ quyết định xử phạt đối với ông Hòa. Đồng thời, huyện phải tổ chức xác định mức độ thiệt hại để đền bù cho công dân.
Phản hồi lại, phía ủy ban huyện bảo việc cưỡng chế tiêu hủy tôm chỉ nhằm mục đích răn đe chứ thực tế lúc đó hồ tôm của ông Hòa không còn con nào. Bởi trước đó ông Hòa đã thuê người về kéo tôm trong hồ mang đi bán. Tổng cộng ông kéo năm lần được hơn 2,5 tấn tôm.
Ông Hòa không chấp nhận ý kiến trên của huyện nên đã khởi kiện...
Bức ảnh tôm chết sau ngày tiêu hủy không được tòa chấp nhận là chứng cứ... (Ảnh do ông Hòa cung cấp)
Không bị thiệt hại
Mới đây, TAND huyện Phú Lộc đã đưa vụ án ra xét xử. HĐXX hỏi ông Hòa có chứng cứ nào về việc hồ có tôm khi huyện đến tiêu hủy hay không. Ông Hòa đưa sáu bức ảnh thể hiện tôm chết hàng loạt mà ông thuê người chụp sau khi huyện xuống cưỡng chế hai ngày. HĐXX hỏi tiếp: “Thế ông có đem bức ảnh đó đến xã hoặc huyện để xác nhận bức ảnh chụp tôm chết không?”. Ông Hòa nói: “Tôm chết do huyện tiêu hủy nên tôi không biết việc phải nhờ xã xác nhận”.
Sau khi nghe các bên trình bày, HĐXX nhận định ông Hòa đưa ra sáu tấm ảnh chứng minh rằng tôm bị chết nhưng không xuất trình được văn bản xác nhận xuất xứ của những bức ảnh nên nó không được coi là chứng cứ.
Đối với yêu cầu bồi thường 850.000 con tôm thẻ chân trắng ông Hòa cũng không xuất trình được chứng cứ là đã thả chừng ấy tôm xuống hồ. Biên bản vi phạm hành chính đã xác định số lượng tôm thẻ chân trắng là 200.000 con nhưng theo lời khai của các nhân chứng thì ông đã thuê họ kéo tôm bán rồi. Đối với yêu cầu bồi thường 150.000 con tôm sú thì những lời khai của nhân chứng đều cho rằng khi kéo tôm thuê chỉ thấy tôm thẻ chân trắng. Như vậy, có cơ sở khẳng định ông Hòa không nuôi tôm sú.
Tòa còn cho rằng dù ông Hòa không thừa nhận đã thuê người kéo tôm bán nhưng lời khai đó của nhân chứng là đúng do họ khai thống nhất và họ không hề có mâu thuẫn với ông. Tòa xác định trước khi bị cưỡng chế ông Hòa đã thuê người kéo hết tôm để bán, không có chứng cứ cho thấy ông bị thiệt hại do huyện thả thuốc độc xuống ao tôm. Trong vụ này, cách huyện tiêu hủy tôm là sai, còn ông Hòa có dấu hiệu cung cấp thông tin không đúng sự thật. Tòa tuyên bác yêu cầu khởi kiện.
Sau phiên tòa, ông Hòa cho biết không đồng tình với bản án và sẽ kháng cáo...
Tòa phải hướng dẫn đương sự làm xác nhận Một thẩm phán TAND TP.HCM nhận xét, việc tòa án cho rằng các bức ảnh chụp không có xác nhận của ủy ban nên không được coi là chứng cứ là chưa chính xác. Theo quy định, nếu thấy đương sự giao nộp không đầy đủ thì thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung. Do đó, tòa phải hướng dẫn đương sự chứ không thể nói lý do là không có văn bản xác nhận xuất xứ để cho rằng không phải chứng cứ. Và trong trường hợp này, đương sự chỉ cần làm văn bản ghi nhận lại việc chụp ảnh ở đâu, ngày giờ chụp, người chứng kiến... và có người làm chứng xác nhận vào là đủ. Luật sư Tô Ngọc Minh Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết thêm HĐXX đã nhận định huyện tiêu hủy tôm là sai thì việc xác định những tấm ảnh mà ông Hòa thuê thợ chụp cảnh tôm chết không còn quan trọng nữa. Vấn đề ở đây, ông Hòa phải chứng minh số lượng tôm bị thiệt hại. Nếu chứng minh được thì tòa mới có cơ sở xem xét yêu cầu... |
MAI PHƯƠNG