Đọc sách để cải tạo đất nước

Sáng hôm qua (6-5), tại TP.HCM, Dự án Văn hóa - Giáo dục Sách hay phối hợp với Bộ VH-TT&DL và Hội Thư viện Việt Nam tổ chức hội thảo Sách và chấn hưng giáo dục. Tại hội thảo, đáng chú ý là hai tham luận: Dịch sách và tinh thần cầu học: Khởi động quá trình hiện đại hóa Nhật Bản (GS Trần Văn Thọ - ĐH Waseda, Nhật Bản) và Từ đọc sách đến khai minh của người Nhật (TS Nguyễn Xuân Xanh).

Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trò chuyện cùng TS. Nguyễn Xuân Xanh ngay sau hội thảo.

Hiểu thế giới để phát triển

. PV:Thực tế, thời Minh Trị của Nhật Bản và hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam có khác nhau, liệu những kinh nghiệm của thời Minh Trị có còn áp dụng được cho Việt Nam hiện tại?

+ TS Nguyễn Xuân Xanh: Tham luận tôi trình bày về văn hóa đọc và giáo dục của Nhật Bản để thấy rằng người Nhật Bản đọc sách có mục tiêu. Mục tiêu đó cụ thể trong từng giai đoạn nhất định và họ nghĩ những vận mệnh lớn. Dĩ nhiên vẫn có những người dân thường đọc sách để giải trí. Nhưng người lãnh đạo của Nhật Bản đã quyết tâm đọc sách để biết được thế giới là gì, từ đó cải tạo đất nước của mình cho phù hợp. Những người lãnh đạo Nhật Bản cho rằng nếu họ không biết về thế giới thì không thể nào cải tạo được đất nước theo đúng quy luật phát triển của thế giới. Không chỉ Nhật Bản mà Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… đều có bản sắc riêng và họ đều phát triển và giữ được bản sắc đó. Điểm quan trọng là làm sao giới tinh hoa của Việt Nam học hỏi được việc đọc sách có mục đích như Nhật Bản. Từ đó, Việt Nam có những cuộc dịch sách, biên soạn sách để hiểu thế giới hơn và truyền bá được chính bản sắc đất nước mình nhiều hơn nữa.

Đọc sách để cải tạo đất nước ảnh 1

TS Nguyễn Xuân Xanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: QUỲNH TRANG

Học, đọc có chủ đích

. Với Việt Nam hiện tại, có nhiều du học sinh học ở nước ngoài, liệu đủ sức mạnh để thay đổi nhận thức của xã hội như Nhật Bản?

+ Lịch sử Việt Nam cũng có những người sang Tây học như Nguyễn Trường Tộ nhưng số người đó quá ít ỏi nên không tạo được thành làn sóng như Nhật Bản. Những người Tây học thời kỳ đầu ở Nhật Bản không nhiều như số lượng du học sinh Việt Nam hiện tại nhưng người Nhật Bản đi học thời đó học có chủ đích. Họ biết họ cần học cái gì và học để làm gì ngay trước khi đi nên nhắm vào mục tiêu đó, khi trở về họ làm được liền. Bên cạnh đó, những người học về được trọng dụng, tức có năng lực chuyên môn và được hỗ trợ để tiếp tục đào sâu.

. Như ông nói vậy, dường như hiện tại du học sinh Việt Nam du học chủ yếu bổ sung cho bản thân trước…

+ Rất tiếc người Việt Nam bây giờ học trước tiên là cho cá nhân. Đó không phải điều xấu nhưng thiếu người học cho đất nước lâu dài, để có những đề án lớn, ý tưởng lớn giúp đất nước. Bây giờ Việt Nam đã có những manh nha thay đổi từ phía các du học sinh, tuy nhiên nhìn lại so với Nhật Bản, mà cụ thể là tri thức của trí thức mình so với trí thức Nhật Bản thì còn khoảng cách quá lớn.

Nhật Bản từng đóng cửa 260 năm nhưng họ vẫn dịch sách, đọc sách và tìm hiểu phương Tây như thế nào. Còn mình có Hội An, Phố Hiến… giao dịch, giao thương nhiều nhưng mình không có được những mong muốn tìm hiểu hay những cuộc dịch thuật để cách tân như thế.

Trí thức Việt chưa chịu tìm tòi

. Với thời điểm văn hóa đọc đi xuống, người trẻ thậm chí người lớn không thích những sách lịch sử, tư tưởng… mà chỉ thích những sách giải trí nhẹ nhàng đôi khi có chút nhố nhăng. Liệu giới tinh hoa thay đổi thì có thay đổi gì thời cuộc không?

+ Tôi nghĩ rằng giới tinh hoa cần dịch nhiều, làm nhiều, viết nhiều sách hay hơn nữa. Từ đó sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm hơn của độc giả. Có thể mình chưa đủ sách hay để thu hút thanh niên thật sự. Dĩ nhiên mình không cần thu hút được mọi người nhưng có sách dịch, sách biên soạn hay đúng những vấn đề của Việt Nam gắn với vấn đề thế giới thì sẽ có nhiều người đọc hơn.

. Nhưng ngay tại hội thảo Sách và chấn hưng giáo dụcnày, nhiều ý kiến vẫn cho rằng ngay cả những người làm giáo dục thì sách nghiên cứu giáo dục họ cũng không đọc nhiều…

+ Tôi không dám nói về việc đọc của giới quan chức nhưng với giới trí thức, tôi thấy điều thiếu nhất là sự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi thật sự như những nhà nghiên cứu. Nghiên cứu những vấn đề nóng bỏng của đất nước để đưa ra những giải pháp toàn diện và có nối kết với sự phát triển thế giới.

Muốn nghiên cứu đề tài gì phải đọc thật nhiều sách và phải tìm đúng sách để mình có thể nghiên cứu. Và tại Việt Nam sách có giá trị nghiên cứu từ tủ sách cá nhân lẫn thư viện đều rất ít. Mình không thể nào không có bột mà gột nên hồ, thế nên phải học của người ta, từ đó mà có phát kiến của mình. Phải biết học người ta làm giàu cho mình như người Nhật Bản từng học của người Trung Hoa, Tây phương, sự học nghiêm túc thì mới giỏi được.

. Xin cảm ơn ông.

Khoảng 300 nhà giáo dục, nhà sư phạm, các chuyên gia, sinh viên… đã đến tham dự hội thảo Sách và chấn hưng giáo dục. 23 tham luận được gửi về hội thảo của các giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả: GS Trần Văn Thọ (ĐH Waseda, Nhật Bản), GS Huỳnh Như Phương (ĐH KHXH&NV TP.HCM), GS Nguyễn Minh Thuyết, TS Nguyễn Xuân Xanh, nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Toàn, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần… Mỗi tham luận hay mỗi câu chuyện chia sẻ tại hội thảo có đều góc nhìn riêng, tuy nhiên mục đích chung vẫn là góp tiếng nói của mình để xây dựng, cổ vũ cho văn hóa đọc.

Từng có phong trào Tân thư

Trước thử thách của xâm lăng văn hóa, kinh tế lẫn chính trị của phương Tây đối với phương Đông thì đất nước duy nhất ở châu Á giữ vững được tinh thần dân tộc để vượt qua được xâm lăng đó chính là Nhật Bản. Trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912), Nhật Bản vượt qua được xâm lăng nhờ vào việc học và chủ yếu là học qua sách.

Tương tự tại Việt Nam vào thời phong trào Duy Tân (1906-1908). Các nhà cải cách như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... đã thực hiện phổ cập Tân thư (những tác phẩm của các nhà tư tưởng phương Tây được dịch qua chữ Hán hoặc sách của các nhà cách mạng Nhật Bản, Trung Quốc thành phong trào Tân thư - NV). Qua đó có thể thấy sách đóng vai trò rất quan trọng trong thời điểm quyết định vận mệnh của một dân tộc. Chúng tôi mong muốn một chuyển động để sách có vai trò hơn trong cải cách giáo dục hay rộng hơn tạo thói quen đọc sách trong nhà trường, từ đó văn hóa đọc được nâng cao.

Nhà văn NGUYÊN NGỌC,  
đại diện cho Dự án Văn hóa - Giáo dục Sách hay

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm