Đưa đường sắt lên cao, nối vào sân bay

Ngày 4-10, Cục Đường sắt Việt Nam và Sở GTVT TP.HCM chính thức công bố quy hoạch chi tiết đường sắt đầu mối khu vực TP.HCM. “Có tám tuyến đường sắt quốc gia được quy hoạch quanh khu vực đầu mối TP.HCM. Lần này, quy hoạch cũng xác định rõ Ga Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) là ga đầu mối đón, trả khách của tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam” - ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, thông tin.

Giải phóng các điểm nghẽn

Hiện mỗi ngày có khoảng 20 chuyến tàu ra vào nội thành (ngày cao điểm lên đến 26 chuyến) và các toa đầu kéo chở hàng chạy từ Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương) ra - vào Ga Hòa Hưng, quận 3. Đáng chú ý, tuyến đường sắt Bắc-Nam đi sâu vào nội thành TP.HCM giao cắt đồng mức với nhiều trục đường chính ở các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, quận 3 khiến tình trạng ùn ứ thường xuyên diễn ra.

Ông Cường thông tin, trong hệ thống tám tuyến đường sắt đầu mối khu vực TP.HCM có tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng có điểm đầu là Ga Trảng Bom (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) và điểm cuối là Ga Hòa Hưng với chiều dài trên 39 km. “Từ đây, đường sắt sẽ chuyển tiếp đi trên cao theo lộ trình cũ của tuyến đường sắt trên mặt đất hiện hữu đến Ga Hòa Hưng” - ông Cường nói.

Đưa đường sắt lên cao, nối vào sân bay ảnh 1

Hình ảnh kẹt xe ken đặc như thế này sẽ được giải phóng khi đường sắt Bắc-Nam qua TP.HCM được đưa lên cao. Ảnh: MP

Như vậy, khi hình thành tuyến đường sắt trên cao dài gần 9 km, gần 20 điểm giao cắt giữa đường sắt với các trục đường bộ quan trọng hiện nay sẽ được giải phóng và nỗi lo về sự kẹt xe sẽ được giải quyết.

Thêm tuyến vào sân bay, cảng biển

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, khẳng định: Quy hoạch vẫn lấy Ga Hòa Hưng là tâm của mạng lưới đường sắt phía Nam, làm cơ sở xây dựng các công trình đường sắt trong khu vực TP.HCM và vùng phụ cận.

Quy hoạch cũng xác định từ nay đến năm 2020 sẽ hình thành thêm nhiều tuyến đường sắt mới. Điển hình, làm nhiệm vụ kết nối với các tỉnh miền Tây có tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ kết nối với với tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng với chiều dài toàn tuyến khoảng 174 km. Ở khu vực phía đông, có tuyến đường sắt mới TP.HCM - Nha Trang bắt đầu từ Ga Thủ Thiêm đi song song về bên phải đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với chiều dài toàn tuyến gần 370 km. Ngoài ra, ở phía này còn có tuyến đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm (phường An Phú, quận 2) đi qua Đồng Nai để kết nối vào sân bay Long Thành. Tuyến này dài hơn 37 km, có 18 ga và trạm khách, trong đó đoạn đi qua địa bàn TP.HCM (dài gần 12 km) sẽ hoàn toàn đi trên cao.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng “mở” thêm tuyến đường sắt chuyên dụng có hai đoạn, trong đó có kết nối với tuyến TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ tại Ga Long Định (dự kiến đặt tại xã Long Định, huyện Cần Đước, Long An) và cảng biển Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM). Trong tổng số chiều dài tuyến hơn 38 km, đoạn đi qua TP.HCM dài gần 8 km đi trên mặt đất vào vị trí quy hoạch dành cho đường sắt của Khu công nghiệp Hiệp Phước tới khu cảng Hiệp Phước.

Để thực hiện quy hoạch này thì cần diện tích (hành lang an toàn và chỉ giới xây dựng của đường sắt) gần 1.460 ha ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Tổng mức đầu tư được khái toán là gần 341.300 tỉ đồng. Quy hoạch sẽ được phân kỳ đầu tư với nguồn vốn dự kiến từ vay ODA, trái phiếu Chính phủ, ngân sách Nhà nước và từ xã hội hóa.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm