Đừng tổ chức xe buýt nhanh ở TP.HCM theo mô hình Nam Mỹ

TS Phạm Sanh, chuyên gia ngành giao thông vận tải, chia sẻ quan điểm như trên xung quanh dự án xây dựng tuyến BRT số 1 tại TP.HCM mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh ngày 16-6.

TS Phạm Sanh cũng nhìn nhận trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (từ vòng xoay An Lạc tới Rạch Chiếc) được chọn làm nơi triển khai BRT số 1 cũng khá hợp lý vì bề ngang mặt đường khá rộng. Tuy nhiên, nếu cứ bê nguyên mô hình như Hà Nội mà không nghiên cứu kỹ càng thì chưa chắc đã thành công.

Bởi vì bản chất của BRT Hà Nội là theo mô hình của Nam Mỹ (triển khai ở các TP mới hoàn toàn với đường riêng, xe riêng chi phí) nên không phù hợp với mật độ giao thông đông đúc, đường sá nhỏ hẹp của Hà Nội và cả TP.HCM.

“Theo tôi, không nên triển khai BRT theo mô hình của Nam Mỹ nữa mà nên đi theo quan điểm của châu Âu. Bởi vì ở châu Âu, BRT thực chất là xe buýt chất lượng cao, tức là từ xe buýt bình thường họ tạo điều kiện chạy làn ưu tiên, triển khai thêm dịch vụ phù hợp với tình hình đô thị chật hẹp.

Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống xe buýt nhanh đòi hỏi phải có sự liên kết với hệ thống xe buýt hiện hữu và các hình thức giao thông khác thì mới phát huy tác dụng.

Hiện tại tuyến metro số 1 đang được xây dựng và sắp đưa vào hoạt động. Trong khi đó, tuyến đường Võ Văn Kiệt song song với tuyến này nên việc kết nối giữa hai tuyến phải tính kỹ để thuận tiện cho hành khách” - TS Phạm Sanh nói.

TS Phạm Sanh cho rằng do quy hoạch của TP nên hiện nay hệ thống xe buýt nhanh chỉ hoạt động được ở các tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt..., nếu đưa vào các khu vực trung tâm sẽ dẫn đến kẹt xe và có tác dụng ngược. Dự án này không chỉ nằm ở phương tiện vận chuyển mà là một dự án tổng thể với nhiều hệ thống giao thông khác như giao thông xanh, hệ thống điều hành thông minh, tiên tiến nên nguồn vốn đầu tư sẽ lớn và đòi hỏi sự quản lý, vận hành khoa học.

TS Phạm Sanh đề xuất: “Sở GTVT TP.HCM tham mưu cho TP cần lập tổ công tác nghiên cứu lại quy hoạch xe buýt nhanh và xe buýt thường chứ đừng nên giao cho một đơn vị phụ trách.

Trong đó, cần lưu ý rằng mỗi một đô thị có những đặc thù giao thông riêng và riêng đường Võ Văn Kiệt hiện nay mật độ phương tiện cũng đã khá đông.

Bên cạnh đó, TP nên tổ chức lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học và xã hội thường xuyên. Đặc biệt, những ý kiến ngược lại của các chuyên gia nên được lắng nghe và tôn trọng. Bởi vì đây là ý kiến phản biện giúp TP nghiên cứu, lường trước được những bất cập, vướng mắc khi đầu tư BRT”.

Kế hoạch xây dựng tuyến BRT số 1 nằm trong dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM. Tuyến này nằm trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với tổng chiều dài là 23 km. Lý trình trong năm khai thác đầu tiên (2019) là từ vòng xoay An Lạc tới Rạch Chiếc. Lượng hành khách bình quân trên tuyến BRT số 1 là 10.200 hành khách/ngày trong năm đầu tiên.

Trong cuộc họp với các nhà chuyên môn mới đây, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đã chỉ đạo chủ đầu tư cần tổng hợp tất cả góp ý, gửi Sở GTVT để báo cáo và tham mưu cho UBND TP.HCM.

Đặc biệt, theo ông Cường, kinh phí xây dựng tuyến BRT số 1 tại TP.HCM gần 144 triệu USD là rất lớn. Vì vậy, các đơn vị liên quan phải chứng minh được việc đầu tư lớn và ưu tiên (dành làn đường riêng) cho BRT số 1 liệu có xứng đáng hay chưa.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm