Dịch COVID-19, giãn cách xã hội thậm chí là lệnh cấm ra đường, tụ tập đông người đang đặt ra nhiều vấn đề.
Riêng thể thao Singapore đang tranh luận việc những VĐV trong đội tuyển quốc gia có được nhà nước hỗ trợ mua thiết bị để tập ở nhà?
Dùng bao gạo tập và cứ chống đẩy chay kiểu này sao duy trì phong độ?
Đây là vấn đề tranh luận lớn chứ không phải đùa hay chỉ là những suy nghĩ thoáng qua. Thực tế tập luyện tại nhà mùa dịch COVID-19 là rất bi kịch, chẳng thể gìn giữ được phong độ cao.
Có những giải pháp chỉ mang tính tình huống nhưng nếu cứ tập mãi ở nhà, phong độ của VĐV sẽ tuột dốc thê thảm.
Nhưng đầu tư thiết bị tập luyện đúng chuẩn để tập ở nhà không phải là chuyện đơn giản, mà rất tốn tiền.
Một xạ thủ của Singapore dùng bình nước lau nhà làm tạ tập thể lực.
Có những VĐV sáng kiến tìm vỏ lốp xe hư về tập để duy trì thể lực nhưng nó cũng chẳng giúp ích được nhiều, bởi VĐV phải tập với nhiều thiết bị đúng chuẩn mới có thể hoàn thành các bài thể lực tốt được.
Giới VĐV của các môn đang nằm trong đội tuyển của Singapore đề xuất nhà nước, Ủy ban Thể thao… cơ quan chủ quản cấp nhà nước trang bị thiết bị cho họ tập luyện.
Đây là câu chuyện chung của làng thể thao thế giới. Tất cả cùng nhận định tập tại gia chỉ là giải pháp tình thế, ngắn hạn, không thể duy trì phong độ cao được.
Nửa tháng trước giới VĐV bắn súng Malaysia kéo vào rừng giăng dây làm mục tiêu di động tập bắn, dùng chai nước suối, bìa carton làm bia bắn. Các VĐV điền kinh đi tìm vỏ lốp xe tải về tập thể lực… nhưng riết rồi cũng không hiệu quả vì thiếu đủ thứ so với phòng tập chuyên nghiệp được trang bị đầy đủ. Còn ra ngoài tập thì các VĐV sẽ bị cảnh sát… sờ gáy.
Ngay cả chuyện Ronaldo có phòng gym hàng triệu đô tại biệt phủ của mình ở quê nhà Madeira, Bồ Đào Nha còn trốn ra ngoài tập bóng rồi bị cảnh sát… hỏi, huống gì nhiều môn khác rất cần thiết bị đa dạng, chuyên nghiệp để tập luyện.
Một CLB hạng thấp ở Thổ Nhĩ Kỳ còn dùng xe tải chở các thiết bị chuyên dụng đến từng nhà cầu thủ để hỗ trợ họ tập.
Đây quả là một câu chuyện mang tính “tiến thoái lưỡng nan” vì rất khó, nguồn tiền mua sắm thiết bị cho từng VĐV không phải là nhỏ.