Khóc cười học online: Cô hỏi nghe rõ không, trò nói nghe không rõ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường học trên các tỉnh thành tiếp tục thực hiện phương án dạy học online. Dù không thể gặp mặt trực tiếp nhưng giáo viên vẫn có nhiều cách tương tác với học sinh (HS) để tiết học trở nên thú vị. Từ đó, nhiều câu chuyện hài hước xảy ra, trở thành kỷ niệm khó quên giữa thầy cô và học trò trong năm học đặc biệt này.

Dở khóc dở cười khi học online

Cô giáo Trịnh Khánh Linh là giáo viên Tiếng Anh, dạy hợp đồng với các trung tâm Tiếng Anh ở TPHCM. Với cô giáo Linh, dạy học online vào giai đoạn này tuy gặp nhiều thách thức nhưng là cơ hội để nâng cao kỹ năng sư phạm và có được nhiều câu chuyện trong nghề thú vị.

Cô kể lại trong một lần dạy, màn hình của cô bị đứng do đường truyền mạng không ổn định. Nhiều HS chụp màn hình và dùng nó làm ảnh chế để trêu cô. Có bạn còn gọi cả phụ huynh ra xem, hỏi hồn nhiên: "Mẹ ơi ra xem cô bị làm sao này".

Một lần khác, khi dạy về các bộ phận trên cơ thể, cô Linh và HS cùng đứng lên, hát và làm những động tác liên quan để nhớ từ vựng. Nhưng cô quên mình chỉ chỉnh chu phần áo, đầu tóc còn ở dưới thì mặc quần đùi bông. Cô và trò được một dịp cười lớn. Cô Linh nhanh chóng "chữa cháy" bằng cách nói hôm nay học thêm từ vựng về quần đùi nên cô cố tình mặc vậy để dạy. Từ đó, cô Linh được  học trò đặt biệt danh mới là "cô quần đùi bông".

Anh Trần Phương Thanh - phụ huynh của em Đỗ Hữu Trí (HS lớp 3 trường Tiểu học Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Gò Vấp) cũng nhiệt tình chia sẻ về khoảnh khắc học online đáng yêu của cháu. Khi Trí học môn Tin học, anh Thanh nghe thầy hỏi: "Bạn nào biết soạn tin nhắn có dấu thì đánh chữ CON ĐÃ BIẾT, nếu không biết bấm số 2". Nhiều bạn biết cách gõ Tiếng Việt có dấu và ghi "Con đã biết", một số bạn chưa nắm được thì bấm số 2. Tuy nhiên, có một bạn đã nhắn "Con không biết" khiến thầy giáo và anh đều bất ngờ, ngã ngửa.

Bé Đỗ Hữu Trí vui vẻ khi học online. Ảnh: NVCC

Anh cũng kể thêm lớp học của cháu thường đăng nhập sớm khoảng 10 phút để ổn định. Nhưng một ngày, có nhiều học sinh đăng nhập sớm khi thầy chưa vào lớp, một bạn liền tranh thủ mở bài hát Nhịp điệu Cha Cha Cha và bài Rồi tới luôn đang hot gần đây để các bạn cùng nghe.

Trong tiết Tiếng Việt, khi thầy giáo đang sửa lỗi những từ dễ sai chính tả, nhiều em đua nhau tô đen những chữ đó trên màn hình, khiến cả lớp không thể nhìn rõ. Một buổi khác, trong lúc cả lớp đang học, một HS cầm ly trà sữa lên uống, có bạn bật mic lên hỏi: "Trà sữa mua đâu ngon vậy? Mình thèm quá".

HS tô đen những chữ sai lỗi chính tả trên màn hình khi thầy đang sửa bài. Ảnh: NVCC

Những khoảnh khắc đặc biệt trong năm học đặc biệt

Năm học 2021-2022 là lần đầu tiên đứng lớp của cô giáo Nguyễn Vũ Thảo Linh (trường Tiểu học Phú Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Đầu tháng 9, tỉnh Quảng Bình ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19, trong đó có phụ huynh của lớp cô Linh. Cha mẹ đi cách ly, nhập viện, con không có điện thoại để học. Nhiều gia đình HS khó khăn, đông con nên thiếu thiết bị học tập.

"Để các em vào học được đông nhất, tôi phải động viên cha mẹ, tìm mọi cách cùng họ khắc phục, hướng dẫn họ tham gia lớp học trên các ứng dụng và làm bài tập trực tuyến. Mỗi buổi học đều hướng dẫn lại từ đầu. May mắn là sau nửa tháng thì đã có 26/31 em vào học được" - cô Thảo Linh nói. Với cô, lần đầu tiên dạy học trong hoàn cảnh đặc biệt, mọi khoảnh khắc của cô và trò càng trở nên đáng nhớ.

Trong buổi học, cô Linh nhắc nhở HS tắt mic và không được làm ồn trong lớp. HS ngây ngô trả lời: "Em đang ở nhà mà". Cô giáo nói HS có thể ngồi tại chỗ trả lời câu hỏi, nhưng có em lại thích đứng dậy, khoanh tay để trả lời như ở trên lớp.

Cô kể: "Có lần, lớp vào buổi sáng, phụ huynh đăng nhập vào lớp giúp con rồi mới đánh thức con. Phụ huynh quên không tắt mic, cả lớp nghe em đó khóc rất to vì bị gọi dậy học bài. Có em thì nhắn tin: "Nhà tôi có 1000 cái khẩu trang". Hoặc khi cô hỏi nghe rõ không thì có em nói là nghe không rõ".

Một tiết học của cô giáo Linh và cả lớp. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, để lớp luôn giữ trật tự và nghiêm túc, cô Linh phải nghiêm khắc trong nhiều trường hợp. Cô không trách mắng mà chỉ đưa ra điều kiện, ví dụ như bạn nào không nghiêm túc thì cô sẽ đánh dấu lại và phạt sau. Sau giờ giải lao, nếu lớp ồn, cô thường cho HS chơi trò chơi im lặng hoặc hỏi những câu gây sự chú ý.

Còn trong lớp học Tiếng Anh của cô Trịnh Khánh Linh, có phụ huynh xin phép cô giáo được vào lớp học cùng con. Bố mẹ học rất chăm chỉ, tập phát âm theo cô giáo dù không quen với ngôn ngữ mới. Cô kể: “Nhiều khi, họ phát âm chưa được hay, bé con học lớp 2 liền chỉnh lại cho bố mẹ, bảo là bố mẹ phải đọc như vậy mới đúng. Tôi nghĩ rằng nếu không dạy online thì mình không có cơ hội được gặp những hoàn cảnh đặc biệt như vậy”.

25 triệu đồng và tấm lòng của hai anh em Nguyên, An
25 triệu đồng và tấm lòng của hai anh em Nguyên, An
(PLO)- Hằng năm Nguyên và An đều nuôi heo để cuối năm lấy tiền mua dụng cụ học tập và dành một phần mua quà tặng cho các bạn khác. Nhưng năm nay hai bé đã phá lệ, đập heo sớm hơn dự định để tặng cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-18.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm