Siêu thị, nhà cung cấp chờ ngày mở cửa trở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM đã ban hành Công văn 2994 cho phép từ ngày 9-9 các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP.HCM được phép hoạt động trở lại theo hình thức bán mang đi. Đáng chú ý, UBND TP.HCM cũng vừa công bố dự thảo về bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn.

Nhà sản xuất thực phẩm mong mở cửa sớm

Nhiều công ty thực phẩm cho hay họ ủng hộ chủ trương mở cửa từng bước an toàn của lãnh đạo TP.HCM. Đồng thời, giới kinh doanh cũng đánh giá cao việc TP.HCM đưa ra dự thảo bộ tiêu chí mới đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Vì bộ tiêu chí mới này có thể giúp nhà sản xuất, kinh doanh chủ động hơn trong việc tự đánh giá năng lực đảm bảo sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, sống chung với dịch.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết hiện nay nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ cho chế biến thực phẩm của Vissan do có sự chuẩn bị dài hạn nên chưa bị đứt gãy. Tuy nhiên, nếu TP cho phép mở cửa trở lại thì cần phải đồng bộ, nghĩa là phải mở cửa cả với nhà cung cấp nguyên vật liệu, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ví dụ, khi mở cửa cho nhà sản xuất thực phẩm chế biến thịt, cá… thì cũng phải mở cửa với các đơn vị sản xuất và cung ứng bao bì đóng gói, nhãn mác, lon để đóng hộp… Nếu xem những nhà cung cấp nguyên phụ liệu không phải là thiết yếu, không cho phép hoạt động thì các công ty sản xuất thực phẩm cũng bó tay.

Lãnh đạo Vissan cũng cho rằng so với việc áp dụng mô hình 3T thì dự thảo bộ tiêu chí mới do UBND TP.HCM vừa công bố là tương đối phù hợp vì tạo thuận lợi hơn cho nhà sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nếu áp dụng bộ tiêu chí mới sẽ giúp chi phí của doanh nghiệp (DN) giảm nhiều so với mô hình 3T.

“Ví dụ, bộ tiêu chí mới quy định người lao động tham gia sản xuất phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: Là người đã tiêm mũi vaccine thứ hai được hai tuần; là người đã tiêm một mũi vaccine được bốn tuần… Với tiêu chí này, công ty có thể bố trí lao động sản xuất được, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh” - ông An nói.

Cùng nhìn nhận trên, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, thông tin lâu nay công ty đã đáp ứng được các tiêu chí của mô hình 3T, vì vậy việc đáp ứng các quy định theo bộ tiêu chí mới nằm trong khả năng của công ty. Chẳng hạn, với tiêu chí nhà sản xuất phải có phương án xử lý khi có ca nghi và nhiễm COVID-19 thì khi áp dụng 3T công ty đã triển khai.

Tuy vậy, theo ông Thiện, cái khó của công ty hiện tại là thiếu lao động. Nguyên nhân do khi chuyển sang áp dụng mô hình 3T, khoảng 20% công nhân không tự nguyện ở lại làm việc. Thêm vào đó, một số công nhân về quê hoặc xin nghỉ do lo ngại dịch. Vì vậy, hiện công ty chỉ còn 50% lao động.

“Nếu tới đây TP mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ chuyển sang hoạt động trong trạng thái bình thường mới và sẽ thuyết phục số lao động về quê quay lại làm việc” - ông Thiện nói.

Sản xuất xúc xích tại một công ty thực phẩm. Ảnh: TÚ UYÊN

Siêu thị tăng cường bổ sung nhân sự, hàng hóa

Hiện tại, UBND TP.HCM đã cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, nhà thuốc được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày… Tuy nhiên, khảo sát thị trường cho thấy một số mặt hàng thực phẩm chế biến như mì gói, miến khô, nui, gia vị, bột mì... có hiện tượng thiếu hàng. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu nhân lực sản xuất, thiếu nguyên liệu vì khâu vận chuyển gặp khó.

Đại diện Saigon Co.op thông tin hiện tại đơn vị đang chuẩn bị tăng cường nguồn hàng hóa phục vụ khách hàng. Đặc biệt, nguồn nhân lực của đơn vị sẽ được tăng gấp đôi so với hiện tại để đảm bảo cung ứng hàng hóa đến người dân trong bối cảnh TP có kế hoạch mở cửa từng bước.

Tương tự, Siêu thị AEON Tân Phú cho hay đã chuẩn bị đầy đủ các kênh mua sắm qua online, shipper đi chợ hộ, người dân đi chợ trực tiếp và chỉ chờ các địa phương triển khai mô hình nào siêu thị sẽ đáp ứng ngay.

“Riêng đối với đề xuất của Sở Công Thương cho phép người dân đi mua sắm theo hình thức áp dụng phiếu đi chợ theo ngày/tuần sẽ giúp người dân giảm bớt được rất nhiều bất tiện trong việc mua hàng. Đây sẽ là bước ngoặt rất lớn để sớm đưa cuộc sống của người dân dần trở lại nhịp sống bình thường” - bà Huỳnh Thị Kim Thanh, Giám đốc Siêu thị AEON Tân Phú, nói.

Một số siêu thị khác thì bày tỏ nếu áp dụng bộ tiêu chí mới vào thực tế, họ sẽ được “cởi trói” nhờ nhân sự sẽ trở lại hoạt động bình thường dù không đạt 100%. Từ đó có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân thuận lợi, nhanh chóng. Chẳng hạn, đối với tiêu chí quầy thu ngân siêu thị phải có vách ngăn với khách hàng, đa phần các siêu thị đều đáp ứng được.

Tạo điều kiện để phục hồi sản xuất

Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT nhận định nguy cơ thiếu sản lượng, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn.

Để giải quyết bài toán trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng 19 tỉnh, thành Nam bộ cần hạn chế đến mức tối đa việc ban hành các quy định riêng của từng địa phương trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời cần tham khảo và phối hợp với nhau trong việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi sản xuất, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp, máy móc… phục vụ cho sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm.

Không nên mở cửa kiểu “đùng một cái”

Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt Trương Chí Thiện cho rằng hiện nay các công ty đều mong muốn mở cửa sớm nhưng không nên mở cửa kiểu “đùng một cái”, tức không mở đồng loạt quá nhanh mà làm từng bước. Ban đầu DN chỉ cần được hoạt động lại để vừa sản xuất vừa kiểm soát dịch nên công suất không cần phải đạt 100%.

Một vấn đề khác khiến ông Thiện băn khoăn là khi TP.HCM mở cửa lại liệu các địa phương khác có mở để các nhà cung cấp nguyên vật liệu hoạt động hay không. Bởi chỉ có mở cửa đồng bộ thì chuỗi cung ứng mới có thể kết nối, liên kết trở lại, nếu không sẽ tiếp tục đứt gãy.

Nhân viên siêu thị chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho người dân. Ảnh: TÚ UYÊN

“Thực tế thời gian qua một số nhà cung cấp nguyên phụ liệu không đủ điều kiện 3T phải tạm dừng hoạt động khiến chúng tôi cũng bị ảnh hưởng theo khi thiếu những phụ liệu như hộp nhựa đựng trứng hoặc phải mua với giá cao” - ông Thiện dẫn chứng.

Đại diện một số công ty thực phẩm khác cũng cho hay một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là khâu lưu thông của phương tiện và con người. Chính phủ đã chỉ đạo phải tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nhưng một số địa phương thực hiện chưa thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu, gây tắc nghẽn. Vì vậy, để việc mở cửa an toàn và thành công, cơ quan chức năng cần có sự thống nhất trong hành động cũng như có tiêu chí chung.

Giải pháp phục hồi sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng

Ngày 9-9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế cho DN, hộ kinh doanh được thực hiện tự xét nghiệm COVID-19 và Bộ Y tế hướng dẫn cách thức, DN tự công nhận kết quả xét nghiệm nhanh.

Chính phủ giao Bộ GTVT hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất các luồng xanh vận tải; không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Chính phủ giao các địa phương cùng với các DN chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của DN.

Các địa phương phải chủ động và chịu trách nhiệm về việc cho phép DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại an toàn, hạn chế đóng cửa toàn nhà máy. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm