Một máy bay bị bắn hạ tại Libya. Ảnh: AP.
Sau cuộc họp kéo dài hơn 4 tiếng tại Mauritania, AU cũng yêu cầu các quan chức Libya cần đảm bảo hỗ trợ nhân đạo đến được tay những người cần thiết, cũng như bảo vệ người nước ngoài, trong đó có người châu Phi sống tại Libya.
Tổ chức này nhấn mạnh nhu cầu "cần có một cuộc cải tổ chính trị cần thiết để loại bỏ nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện tại", nhưng đồng thời kêu gọi "kiềm chế" từ cộng đồng quốc tế để tránh "hậu quả nhân đạo nghiêm trọng".
Ủy ban cũng thông báo về một cuộc họp tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia vào ngày 25/3, cùng với đại diện của Liên đoàn Ả rập, Tổ chức hội thảo Hồi giáo, Liên minh châu Âu và LHQ để "tạo dựng một cơ chế cho sự bàn bạc và hành động thống nhất", để giải quyết khủng hoảng Libya.
Ủy ban AU về vấn đề Libya cho biết chưa nhận được sự cho phép của quốc tế để tới Tripoli hôm nay, nhưng sẽ không từ bỏ.
Liên minh châu Phi ra đời theo Bản tuyên ngôn Sirte năm 1999, lấy tên từ một hội thảo do Gadhafi chủ trì tại quê hương ở bờ biển Libya. Bản tuyên ngôn này nói rằng người viết đã được truyền cảm hứng từ một tầm nhìn về "một châu Phi thống nhất và mạnh mẽ" của Gadhafi.
"Tổ chức AU đã nhận được rất nhiều từ tài sản của Gadhafi", AFP dẫn lời Fred Golooba Mutebi tại Viện nghiên cứu xã hội thuộc Đại học Makerere ở Kampala, Uganda, cho biết.
Ngoài ra Libya cũng đầu tư hàng tỷ đô la cho vùng tiểu Sahara ở châu Phi. Quốc gia này có lợi ích gắn liền với hơn 20 nước châu Phi, trong khi ngành dầu khí Libya cũng mang lại lợi nhuận cho từng đấy quốc gia. Ngành viễn thông Libya hiện có mặt tại 5 quốc gia trong khu vực và đang phát triển mạnh mẽ.
Theo Song Minh (VNE)