Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết lượng phóng xạ đo được quanh tòa nhà hành chính của nhà máy đã tăng lên mức 4.000 microsievert/giờ. Mức phóng xạ có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe là 1.000 microsievert/giờ trong 1 năm.
Khoảng 30 tấn nước đã được phun vào lò phản ứng số 3. Tuy nhiên, đến tối 17/3/2011, Đội cơ động số 1 thuộc SDF đã quyết định ngừng sử dụng vòi rồng sau gần một giờ đồng hồ nỗ lực, do lượng phóng xạ tại hiện trường quá cao, gây nguy hiểm. Theo tin mới nhận được, việc phun nước như vậy đã bước đầu mang lại hiệu quả trong việc làm mát bể chứa nhiên liệu của lò phản ứng này.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. (Ảnh chụp ngày 17/3/2011, nguồn: Reuters)
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mátxcơva sẵn sàng giúp Nhật Bản ngăn chặn rò rỉ phóng xạ từ nhà máy trên, loại bỏ các hậu quả của sự cố này, trong đó có việc dập tắt các đám cháy xảy ra tại nhà máy Fukushima.
Trong khi đó, giới chức Đài Loan (Trung Quốc) ngày 17/3/2011 cho biết đã phát hiện mức phóng xạ cao hơn bình thường trên giày và quần áo của 25 hành khách đến từ nhiều thành phố khác nhau ở Nhật Bản. Toàn bộ số hành khách trên đã được phép đi sau khi thay trang phục và rửa các thiết bị nhiễm xạ bằng nước.
Trước đó, chính quyền hòn đảo này đã lắp đặt các thiết bị đo phóng xạ ở ba sân bay lớn và đã kiểm tra hơn 4.400 hành khách đến từ Nhật Bản.
Cùng ngày, hãng thông tấn Yonhap đưa tin Hàn Quốc cũng phát hiện mức phóng xạ cao bất thường trên mũ và áo khoác của 3 hành khách đến từ Nhật Bản tại Sân bay Incheon. Tuy nhiên, kênh truyền hình YTN cho biết do mức phóng xạ này không gây hại tới sức khỏe cộng đồng nên 3 hành khách trên vẫn được nhập cảnh.
Theo TTXVN/Vietnam+