Quanh khu vực Hà Đông, trung tâm của tỉnh Hà Tây (cũ), hiện tập trung trên 20 công ty và trung tâm nhà đất, song hầu hết vắng khách. Nhân viên một số công ty tranh thủ dịp vắng khách này để nghỉ ngơi, văn phòng chỉ còn lại vài người trực.
Nhân viên tại công ty Tân Thiên Nhật cho hay, những ngày gần đây lượng khách đến tìm mua nhà tăng nhẹ so với thời gian trước, song giao dịch thành công rất ít. Người mua chủ yếu là có nhu cầu ở thực, rất ít đầu tư.
Ông Bùi Duy Sơn, Giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ Hà Nội cũng cho hay, tại khu đô thị Văn Phú mỗi tháng chỉ có 2-3 giao dịch căn hộ thành công, trong tổng số hàng nghìn căn của khu đô thị này. Văn Phú vốn là nơi có giao dịch sôi động nhất khi thị trường còn nóng, nhờ có vị trí gần sát trung tâm Hà Đông, và gần đường cao tốc Láng - Hòa Lạc cũng như tuyến đường sắt trên cao dọc quốc lộ 6.
Theo ông Nguyễn Trọng Thủy, phụ trách Trung tâm bất động sản Mỹ Đình II, khi Hà Tây (cũ) sáp nhập vào Hà Nội, nhiều người nghĩ giá nhà đất tại đây sẽ tăng, song thực tế thị trường hầu như chưa có chuyển biến. Trái lại, nhà đất tại các khu đô thị mới đều trượt giá.
Hầu hết khách hàng tại khu vực Hà Tây (cũ) hiện nay mua nhà để ở nên giao dịch tập trung tại khu Văn Quán. Ảnh: Hoàng Hà |
Với khu đô thị Văn Phú, giá căn hộ đã giảm khoảng 40%. Giá cao nhất tại khu này hiện là 21 triệu đồng mỗi m2, và thấp nhất là 11 triệu. Tại khu Xa La, giá căn hộ đã giảm từ 12-13 triệu đồng mỗi m2 thời kỳ cao điểm xuống 10-10,5 triệu đồng.
Ông Thủy cho hay, một nhà đầu tư từng mua căn hộ tại khu đô thị Văn Khê, cách trung tâm Hà Đông 1 km về phía tây, giá gốc 9,6 triệu đồng mỗi m2, cộng thêm chênh lệch 260 triệu đồng. Song đến nay, giá trị chênh lệch của căn hộ này chỉ còn 40 triệu đồng. Trường hợp khác, trong vòng nửa năm, giá căn hộ trên 100 m2 tại khu này đã giảm trên 400 triệu đồng.
Một số nhà đầu tư hiện đã phải cắt lỗ theo phương châm "mua đắt, bán rẻ". Ông Bùi Duy Sơn cho hay, nhà đầu tư đặt cọc để mua căn hộ mới khởi công với giá 13,3 triệu đồng mỗi m2. Nhưng nay khi thị trường trầm lắng, họ đành bán "lúa non" với giá 10 triệu đồng để rút lại vốn, tránh chịu lỗ nặng hơn nữa.
Nhưng không phải người nào cũng may mắn kịp cắt lỗ. Có trường hợp nhà đầu tư đề nghị rút tiền đặt cọc và chịu phạt 50 triệu đồng do vi phạm hợp đồng, song chủ đầu tư không chấp nhận. Muốn sang tay suất mua, cũng không có người mua.
Giới kinh doanh địa ốc cho hay, nhu cầu mua nhà đất tại khu vực này vẫn khá cao, song do tình hình thị trường chậm lại, nên giao dịch hạn chế. Theo ông Thủy, giao dịch tại các khu đô thị mới trước đây chủ yếu do giới đầu tư dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Nay nguồn vốn này "co" lại, nên giao dịch sụt giảm. Các giao dịch hiện nay chủ yếu xuất phát từ nhu cầu ở thực sự của người dân, nên người mua chỉ tìm những khu đô thị đã hoàn thiện như Văn Quán, khu đô thị nằm giáp ranh giữa quận Thanh Xuân với Hà Đông.
Căn hộ tại Văn Quán đây trước được rao bán 10 triệu đồng mỗi m2, song nay đã lên 15,5-17,5 triệu đồng, tùy thuộc nhà đang hoàn thiện hay đã sử dụng được. Đây là khu vực duy nhất tại Hà Đông có nhà đất tăng giá. Với nhà liền kề, giá bán dao động 24-60 triệu đồng mỗi m2. Ông Thủy cho hay, những căn liền kề có vị trí đẹp như nằm sát trục đường chính, hiện đều có giá trên 5 tỷ đồng, song không có để mua.
Tại Văn Quán hiện chỉ có giao dịch của các chủ căn hộ bán lại lẻ tẻ cho các gia đình muốn tìm nhà ở, chứ không có giao dịch của giới đầu tư. Lý do, theo các trung tâm nhà đất, là khu đô thị này đã được xây dựng hoàn chỉnh, 80% các khu nhà đã có người ở, nên không còn nhiều căn trống để giao dịch.
Theo Ngọc Châu ( VnExpress)