Nhạc sĩ Việt Lang: Bất ngờ 3 trong 1

Một người chưa bao giờ nhận mình là nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng hàng chục tác phẩm của ông đã từng làm nức lòng cả triệu khán giả thời kỳ tân nhạc, là hành trang của hàng vạn người lính Cụ Hồ khi ra trận. Một người đến với âm nhạc chỉ 5 năm nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông để lại dấu ấn đậm nét. Ông trở thành một trong những người đặt nền móng đầu tiên và có những đóng góp quý báu cho nền âm nhạc Việt Nam. Ông còn là dịch giả tài hoa, uyên bác, là người thầy giáo đáng kính của nhiều thế hệ học sinh... Ông là nhạc sĩ Việt Lang.

Nhạc sĩ Việt Lang: Bất ngờ 3 trong 1 ảnh 1

Nhạc sĩ Việt Lang. 

1. Đêm nhạc "Việt Lang - Tình quê hương" là món quà những người bạn, những người hâm mộ và những người con của ông dành tặng ông, để cùng nhớ về một người nghệ sĩ tài hoa và khiêm nhường. Dù chủ nhân đêm nhạc đã đi vào cõi thiên thu nhưng những người có mặt ở khán phòng đêm ấy đều cảm thấy ông như hiển hiện đâu đây, trong những ca khúc lãng mạn, hào hoa, trong những câu chuyện, những kỷ niệm xúc động về ông.

Chị Lê Hoàng Trâm - trưởng nữ của nhạc sĩ Việt Lang chia sẻ: Ba chị em chúng tôi có một tuổi thơ êm đềm tràn ngập những câu chuyện cổ tích và những bản nhạc hay. Chị vẫn nhớ, vào những buổi tối thứ bảy cha thường chụp đèn màu xanh, cha đánh đàn Hawaii, sau đó cả nhà cùng hoà nhạc. Cha thường đọc truyện cổ tích bằng tiếng Pháp cho các con nghe. Đêm đến khi mọi người đã đi ngủ, cha mới ngồi dịch sách. Có đêm giật mình thức giấc, chị vẫn thấy cha cặm cụi làm việc. Trong chiến tranh chống Mỹ, cuộc sống khó khăn, phải đi sơ tán xa Hà Nội, phải lao động vất vả nhưng các anh chị vẫn thấy nhẹ nhàng, bởi mỗi tối mấy chị em lại đàn hát những bài hát của cha sáng tác. Và điều quý báu nhất mà vợ chồng nhạc sĩ Việt Lang dành tặng cho các con lớn lên theo năm tháng là tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, con người và lòng nhiệt huyết với công việc.

Ngược dòng thời gian, nhạc sĩ Việt Lang có tên thật là Lê Quý Hiệp, sinh năm 1927 ở Thái Bình, trong một gia đình trí thức. Ông là hậu duệ của nhà bác học Lê Quý Đôn. Thuở nhỏ, ông học tại trường Saint Thomas d' Aqui tỉnh Nam Định, một trường tư thục công giáo, sau ông lên Hà Nội cùng gia đình theo học trường EPSI, nay là trường Chu Văn An.

Việt Lang bắt đầu bước vào con đường sáng tác với ca khúc "Chiều Yên Thế". Những rung cảm nghệ thuật của chàng trai 18 tuổi phụ trách đội Nhi đồng cứu quốc đã gây một ấn tượng mạnh trong làng thuở ấy. Bút danh Việt Lang cũng được ông sử dụng từ thời điểm này với ý nghĩa là "Chàng trai đất Việt". Ngay lập tức, "Chiều Yên Thế" được chọn là bài hát chính thức của Đoàn Hoàng Hoa Thám. Kỷ niệm một năm Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Lang viết “Bài ca cách mạng tháng Tám” in trên báo Cứu quốc ra ngày 19/8/1946 với lời tựa ngắn nhưng khẳng định của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: “Đây là bài anh hùng ca ghi  một trang sử oanh liệt của dân Việt”. Sau đó, ông sáng tác “Tình quê hương”. Đây là một ca khúc trữ tình để đời của ông.

Bất kỳ một người Việt nào cũng đều xúc động mỗi khi nghe những lời tư hương: “Ngàn dâu xanh ngắt mấy nếp tranh xa mờ, tiếng sáo bay dập dìu đường về thôn...”. Ca khúc này đã được đưa vào chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” năm 1994”. Sau kháng chiến bùng nổ,  tháng 12/1946, ông gia nhập bộ đội, trung đoàn 44 ở mặt trận đường số 5, chiến khu 3. Đây cũng là thời gian sáng tác sung sức của nhạc sĩ Việt Lang. Hàng loạt ca khúc ra đời: "Đoàn quân đi", "Những hình bóng qua", "Mùa không biên giới", "Đàn xuân"… NSƯT Quang Hưng - người thể hiện thành công nhiều ca khúc của Việt Lang từng tâm sự: "Những ca khúc của Việt Lang khi ấy có sức mạnh cổ vũ hơn cả một đoàn quân".

2. Một trong những ca khúc của Việt Lang đã nâng bước những người lính trong cuộc hành trình dài và đầy gian khổ ấy phải kể tới ca khúc "Đoàn quân đi". Ca khúc có sức lan toả và ghi dấu tên tuổi Việt Lang trong cả một thế hệ chống Pháp. Nhạc sĩ Việt Lang từng tâm sự  trên báo Thanh niên tháng 5/2003 về hoàn cảnh ra đời của ca khúc này: "Tôi viết bài "Đoàn quân đi" trong một đêm tháng 2 năm 1948 khi cùng bộ đội hành quân vào quân khu 3 trong mưa trơn, bùn sâu. Nửa đêm về sáng, chúng tôi tạm trú ở một xóm nhỏ rất nghèo, anh em mệt và ngủ. Nhìn đồng đội, đồng bào, lòng tôi trào lên một niềm cảm kích sâu sắc. Những nét nhạc đầu tiên nảy ra trong đời. Tôi rút quyển sổ đặt lên chiếc giường tre cũ kỹ và viết dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu. Tôi hoàn chỉnh bài hát lúc gần về sáng… Tôi muốn ghi lại hình ảnh thực, ý nghĩa thực của anh bộ đội... Tôi cũng muốn vẽ nên hình ảnh của đất nước những năm đầu kháng chiến chống Pháp biết bao gian khổ, để những thế hệ sau đừng quên. Gian khổ như thế nhưng vẫn lạc quan, vẫn như đi giữa "xuân về mùa thắm" và "vững tin ở ngày mai". Giai điệu bài hát vừa có sức lôi cuốn của sự dấn thân, vừa có sức bay bổng của sự lãng mạn: "Đoàn quân đi thấp thoáng trong đêm không một vì sao/ Uốn khúc đường đào mưa trơn bùn sâu/ Đoàn quân đi dưới nắng gắt gay mình đầy mồ hôi/ Thép súng say đời vai nặng trĩu căm thù lòng sôi…".

Trong đêm nhạc kỷ niệm nhạc sĩ Việt Lang, nhạc sĩ Doãn Nho, người đồng đội và đồng nghiệp đã nói những lời tâm huyết và sâu sắc nhất về nhạc sĩ Việt Lang. Ông cho rằng, với "Đoàn quân đi" và "Tình quê hương", Việt Lang đã trở thành cây cầu nối độc đáo giữa Tân nhạc thời kỳ đầu với Tân nhạc thời kháng chiến chống Pháp. Bản thân nhạc sĩ Doãn Nho từng cùng đội tuyên truyền võ trang Bắc Giang hát vang "Chiều Yên Thế" tại căn cứ địa của Hoàng Hoa Thám. Cả một thế hệ chống Pháp, hầu như đều biết đến những giai điệu âm nhạc củaViệt Lang...

Những ca khúc của Việt Lang dễ đi vào lòng người bởi nó chứa đựng hồn dân tộc, nói hộ tâm tư của những người lính yêu Tổ quốc, yêu quê hương và họ đi chiến đấu để bảo vệ những tình cảm thiêng liêng ấy. Những câu hát như: "Ôi mùa xuân nghe súng hát trên vai, hồn nước nhắc chí trai mà quên thương nhớ. Qua thời chinh chiến là mùa lá đón hoa, từng phím hồn nhấn trong màu xanh ước mơ" (Đàn xuân) hay "Phá tan biên cương loài người sống yên vui" và "hẹn ngày mai chiến thắng chớ quên đường về làng xưa, em vẫn mong chờ đến ngày ấy đôi ta cùng mơ" (Đoàn quân đi), "Bao chàng vệ quốc quân đi tóc xanh pha màu gió mới. Luống cày mai ngát thanh bình, đắp xây mùa không biên giới" (Mùa không biên giới)… như một bài thơ, có sức lôi cuốn mạnh mẽ làm rung động lòng người.

3. Khi sự nghiệp âm nhạc đang ở đỉnh cao, thì do hoàn cảnh gia đình - bố mẹ mất sớm, Việt Lang chuyển sang ngành giáo dục và trở thành nhà giáo Lê Huy. Từ một “chàng trai đất Việt” phụng sự âm nhạc đến một nhà giáo Lê Huy phụng sự nghề “trồng người” tại Thanh Hóa và sau này ở Nam Định và Hà Nội khi hoàâ bình lập lại. Việt Lang vừa dạy học, vừa nuôi dưỡng bốn em còn nhỏ trở thành những người có ích cho đất nước. Nhà thơ Dương Tường quen biết con gái đầu của ông bao năm mà không biết Lê Huy chính là Việt Lang, đến nỗi yêu Việt Lang quá đã phải viết trên Tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam một bài báo mang tên "Việt Lang bây giờ anh ở đâu?". Ông Lý Văn Sáu  - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam, chơi rất thân với Lê Huy, rất ngưỡng mộ tài năng của Việt Lang nhưng cũng không biết ông chính là Việt Lang. Và một người học trò sau này của ông, nhà báo Tạ Bích Loan cũng vô cùng bất ngờ khi biết nhạc sĩ Việt Lang chính là người thầy giáo đáng kính của mình…

Điều mà nhiều đồng nghiệp, bạn bè cũng như những thế hệ sau khâm phục ở Việt Lang là làm gì ông cũng tận tụy hết mình. Ông luôn dạy các con: đã làm việc gì thì phải cố gắng làm cho thật tốt để đóng góp phần bé nhỏ của mình cho đất nước. Và chính ông là tấm gương sáng cho con cái noi theo. Ông là giáo viên dạy giỏi toàn quốc nhiều năm, được tặng nhiều Huân, huy chương của Nhà nước và ngành giáo dục. Ngoài viết nhạc, dạy học, dịch sách, ông còn viết báo. Chị Hoàng Trâm kể, ông mất cuối tháng 7/2008 thì tháng 6/2008, dù mang trong mình trọng bệnh, ông vẫn viết bài đăng Báo Quân đội nhân dân góp ý "Ra đề thi sử như thế nào?". Trước đó, ông có nhiều bài báo trình bày những ý tưởng và giải pháp cụ thể về những vấn đề giáo dục, văn hoá, xã hội. Khi ông ốm nặng, học sinh đến nhờ giảng sử, không nói được, ông giải thích cho học sinh bằng cách viết lên giấy… Ông thông thạo 3 ngoại ngữ: Pháp, Anh, Bồ Ban Nha. Ông từng làm trưởng đoàn chuyên gia giáo dục tại Thủ đô Luanda (Angola) tới 10 năm. Chính ông là dịch giả của cuốn truyện nổi tiếng "Lão Gôriô" của văn hào Pháp Balzac, "Phía Tây không có gì lạ" của văn hòa Đức Remarque… Về chuyện dịch "Lão Gôriô", ông dịch chính xác tới mức không cần phải hiệu đính. Thậm chí, ông còn chú thích đầy đủ những từ địa phương để "người đọc thế hệ nào cũng hiểu được".

Ông đã sống một cuộc sống bình yên, âm thầm cống hiến cho giáo dục nhưng tâm hồn vẫn xao động với từng nốt nhạc. Bạn bè nhạc sĩ  kể rằng, đến cuối năm 2007, tức là sau gần 60 năm lặng lẽ rút khỏi âm nhạc, ông đã từ bệnh viện tới dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam để hội ngộ những bạn bè xưa của mình. Để được bắt tay, choàng vai và ôn lại những kỷ niêm xưa… Rồi sau đó không lâu, ông ra đi khỏi cõi đời nhẹ nhàng thênh thang, để lại một huyền sử về chàng trai đất Việt - như cách mà bạn bè vẫn trìu mến gọi ông.

 
Theo VNCA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm